Được xây dựng từ trước năm 1975, cầu sắt Rạch Tôm trên đường Lê Văn Lương (TPHCM) hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi lần lưu thông qua đây.
Cầu nhỏ hẹp nhưng hằng ngày vẫn phải “gánh” lượng lớn phương tiện, trong đó có cả xe tải, ô tô. Sau hơn 50 năm tồn tại, nhiều hạng mục trên cầu đã hoen rỉ, bong tróc. Mặt cầu được lắp bằng các tấm sắt, mỗi khi có xe chạy qua đều phát ra tiếng động lớn và rung lắc mạnh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
TPHCM sắp khởi công xây dựng cầu Rạch Tôm mới, thay thế cầu sắt cũ xuống cấp. Ảnh: Duy Anh
Với tình trạng xuống cấp và không đáp ứng được nhu cầu lưu thông ngày càng gia tăng, người dân địa phương đang kỳ vọng dự án xây dựng cầu Rạch Tôm mới sẽ sớm khởi công, giúp đảm bảo an toàn, thuận lợi cho việc đi lại, đồng thời góp phần hoàn thiện trục giao thông kết nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh mới.
“Bề mặt cầu trơn, đặc biệt khi trời mưa thì càng trơn trượt hơn. Mỗi khi có xe lớn đi qua, mặt cầu rung ầm ầm. Nhiều năm qua, người dân khu vực này vẫn mong mỏi cầu mới được xây dựng để thay cho cầu sắt cũ”- bà Lê Thị Hồng Phấn (ngụ xã Nhà Bè, TPHCM) chia sẻ.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông, chủ đầu tư) cho biết, các bước chuẩn bị cho lễ khởi công cầu Rạch Tôm đang được gấp rút hoàn tất. Dự án được đầu tư từ ngân sách thành phố với tổng kinh phí 496 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026.
Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026. Ảnh: Duy Anh
Cầu Rạch Tôm mới sẽ thay thế cầu sắt hiện hữu đã xuống cấp, không còn đáp ứng tải trọng khai thác. Dự án góp phần cải thiện giao thông khu vực, giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn và tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội khu Nam TPHCM.
Cầu mới có điểm đầu cách mố cầu cũ phía bờ TPHCM 319 m, điểm cuối cách mố phía Tây Ninh 301 m. Diện tích sử dụng đất ước khoảng 1,75 ha.
Theo Ban Giao thông, đến nay công tác lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu xây lắp, tư vấn,... đã hoàn tất. Đơn vị đang hoàn chỉnh thủ tục và dự kiến khởi công công trình vào ngày 10/7 tới đây.
Nhiều hạng mục của cầu sắt cũ đã hoen rỉ.
Về giải phóng mặt bằng, toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (224,4 tỷ đồng) đã được Ban Giao thông giải ngân cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè (cũ). Trong tổng số 111 trường hợp bị ảnh hưởng (gồm 3 tổ chức), đã có 83 trường hợp đồng ý nhận tiền, 64 trường hợp đã nhận tiền.
Đến cuối tháng 6/2025, mặt bằng khu vực mố M1 và trụ T1 đã được bàn giao. Dự kiến phần mặt bằng còn lại sẽ bàn giao trước ngày 30/9, đảm bảo tiến độ triển khai thi công.
Trên tuyến đường Lê Văn Lương - trục giao thông quan trọng kết nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh có bốn cây cầu sắt cũ gồm: Long Kiểng, Rạch Đỉa, Rạch Tôm và Rạch Dơi. Những năm qua, TPHCM đã hoàn thành xây dựng mới và đưa vào khai thác cầu Long Kiểng và cầu Rạch Đỉa. Riêng cầu Rạch Dơi đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, chờ kế hoạch khởi công trong thời gian tới.
Hữu Huy