Tăng tốc thủ tục khởi công
Thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Xây dựng chiều nay (7/7), ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, từ đầu năm đến nay, 8 dự án đã khởi công.
Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Ảnh: Tạ Hải).
Các dự án gồm: Cầu đường sắt Cẩm Lý tuyến đường sắt Kép - Hạ Long; Nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên QL1; Mở rộng cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Nâng cấp mở rộng QL46 đoạn TP Vinh - TT.Nam Đàn; Mở rộng cao tốc đoạn La Sơn - Hòa Liên và Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn II.
4 dự án đang tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công trong năm 2025, gồm: Xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên QL37B; Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Hai quý đầu năm, 2 dự án đã được hoàn thành toàn bộ các hạng mục, gồm: Dự án cải tạo cầu yếu và kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1; Nhà Ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Còn lại, 41 dự án sẽ có kế hoạch hoàn thành trong năm nay.
"Bảo đảm tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông, hiện có 2 dự án đang hoàn chỉnh các thủ tục để phê duyệt dự án là: đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Có 4 dự án dự kiến sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2024 chưa phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: Đầu tư hoàn thiện hầm Thần Vũ; Đầu tư hoàn thiện hầm Cù Mông; Hoàn thiện hầm Núi Vung; Nâng cấp tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thành đường cao tốc trên địa phận tỉnh Hưng Yên và đến hết nút giao Thái Hà", ông Lê Quyết Tiến cho hay.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ dự kiến đưa vào khai thác dịp 19/8 tới đây (Ảnh: Duy Lợi).
Hoàn thành gần 900km cao tốc trong năm 2025
Đề cập đến các dự án nằm trong danh mục 3.000km đường bộ cao tốc, lãnh đạo Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2025 có khoảng 889km thuộc 17 dự án/DATP do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản sẽ hoàn thành.
Tính đến nay, có 3 dự án thành phần (Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh) và hoàn thành 70 dự án Vân Phong - Nha Trang đã được đưa vào khai thác tuyến chính dịp 30/4/2025.
Dự kiến, đến 19/8 sẽ hoàn thành một số đoạn tuyến chính của 6 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 208km, gồm: toàn tuyến đoạn Vũng Áng - Bùng, Vạn Ninh - Cam Lộ; 13km còn lại của đoạn Vân Phong - Nha Trang và một số đoạn của DATP Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (10/88km), Hoài Nhơn - Quy Nhơn (45/70km), Quy Nhơn - Chí Thạnh (20/62km) và thông xe dự án Hòa Liên - Túy Loan.
Đến tháng 12/2025 sẽ phấn đấu hoàn thành toàn bộ các dự án thành phần còn lại.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để đưa các dự án, đặc biệt là các dự án: cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… về đích đúng kế hoạch trong năm nay", Cục trưởng Lê Quyết Tiến nói.
Việc phân cấp, phân quyền trong hoạt động quản lý đầu tư xây dựng được triển khai mạnh mẽ.
Tăng cường hậu kiểm sau phân cấp, phân quyền
Đề cập đến công tác quản lý nhà nước về xây dựng sau phân cấp, phân quyền, theo Cục trưởng Lê Quyết Tiến, theo các quy định pháp luật mới ban hành sẽ có một số thay đổi liên quan đến thẩm quyền của các địa phương, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn triển khai số 6386 ngày 7/7/2025, tập trung vào một số thay đổi.
Các nội dung thay đổi lớn như: bỏ cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc dự án đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Bỏ chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của với tổ chức.
Phân cấp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án/thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở từ cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đối với dự án có công trình cấp đặc biệt, dự án thuộc chuyên ngành đặc thù.
Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ chỉ thực hiện dự án do Thủ tướng Chính phủ giao và dự án thuộc chuyên ngành do mình quyết định đầu tư và thiết kế xây dựng triển khai sau TKCS công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia.
Sau ngày 1/7/2025, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, quyết định việc tổ chức lại hoặc giải thể các Ban quản lý dự án ĐTXD chuyên ngành, khu vực do UBND cấp huyện thành lập.
Phân cấp cho Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành công bố định mức các hao phí và các dữ liệu cơ bản để tính giá ca máy của các loại máy và các thiết bị chuyên ngành; Phân cấp UBND cấp tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cấp nước và khu công nghiệp; Lược bỏ quy định lấy ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi ban hành định mức dự toán các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương; Ban hành phương pháp xác định dự toán chi phí rà phá bom mìn, vật nổ của Bộ Quốc phòng.
Lược bỏ quy định công bố đơn giá xây dựng công trình của địa phương và một số quy định chủ đầu tư xin ý kiến các cơ quan có liên quan hoặc báo cáo người quyết định đầu tư khi thực hiện một số nhiệm vụ như điều chỉnh dự toán xây dựng, xác định chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh hợp đồng, xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh.
Cũng theo quy định tại Nghị định 105/2025, từ ngày 1/7 cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.
Nhằm phát huy hiệu quả của việc phân cấp, phân quyền, lãnh đạo Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng đề cập 5 giải pháp: Tập trung hoàn thiện thể chế; Phổ biến, hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực xây dựng mới được ban hành; Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra và xử lý vi phạm; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Rà soát các thành phần hồ sơ có thể thay thế được bằng dữ liệu để cắt giảm giấy tờ, chi phí tuân thủ và đơn giản hóa thủ tục.
Cuối cùng là rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tổ chức xác định, ban hành kịp thời định mức, giá xây dựng cho các công nghệ mới, vật liệu mới nhằm khắc phục tình trạng thiếu công cụ định mức, giá xây dựng.
Nam Khánh