Vai trò hạt nhân và trục kết nối
Đông Nam bộ là khu vực năng động bậc nhất và có vai trò chiến lược hàng đầu trong nền kinh tế quốc gia, không chỉ là trung tâm công nghiệp, dịch vụ trọng điểm mà còn là đầu mối giao thương kết nối các vùng miền trong cả nước.
Mỗi địa phương trong vùng sở hữu lợi thế riêng, như: TPHCM (cũ) là trung tâm tài chính, công nghệ, dịch vụ cao cấp và tiêu dùng lớn nhất cả nước; Bình Dương (cũ) dẫn đầu về sản xuất công nghiệp thông minh; Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) có ưu thế cảng biển nước sâu và năng lượng.
Việc hợp nhất 3 địa phương này tạo nên một cấu trúc không gian công nghiệp liên kết, phân tầng chức năng, qua đó hình thành nền tảng kết nối các khâu trọng yếu trong chuỗi giá trị sản xuất từ R&D (thiết kế, sản xuất) đến logistics và xuất khẩu.
Từ trục liên kết lõi này, động lực phát triển lan tỏa ra toàn vùng Đông Nam bộ. Trong đó, Đồng Nai và Long An (cũ) giữ vai trò các cực sản xuất chủ lực, kết nối trực tiếp với TPHCM và ĐBSCL; Tây Ninh nổi lên như trung tâm logistics biên giới, chế biến nông sản và năng lượng tái tạo; Bình Phước (cũ) định vị là vùng công nghiệp nhẹ, chế biến sâu và hậu cần, đóng vai trò cầu nối với hành lang Tây Nguyên.
Khi mỗi địa phương được quy hoạch theo đúng vai trò và được kết nối hiệu quả, toàn vùng sẽ hình thành một hệ sinh thái sản xuất tích hợp, đa trung tâm, phát huy sức mạnh cộng hưởng, giảm trùng lặp đầu tư và tăng cường năng lực cạnh tranh liên vùng.
Trong bối cảnh toàn cầu đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng, việc xây dựng một không gian sản xuất thông minh, tích hợp và có năng lực tự chủ sẽ giúp Việt Nam gia tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài, đồng thời nâng cao vị thế trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng đó, điều kiện tiên quyết là một cơ chế điều phối vùng rõ ràng, quy hoạch không gian chức năng hợp lý và hạ tầng kết nối đồng bộ. Việc hợp nhất hành chính chỉ là bước khởi đầu; chỉ khi có thể chế vận hành thống nhất, phân vai hợp lý và phối hợp hiệu quả giữa các địa phương thì mới tạo ra sự tích hợp kinh tế thực chất.
Trong quá trình này, TPHCM cần giữ vai trò trung tâm dẫn dắt và điều phối chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng. Với quy mô kinh tế vượt trội (đóng góp khoảng 25% GDP và 40% thu ngân sách cả nước), TPHCM là nút chiến lược về logistics, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, mạng lưới doanh nghiệp và đổi mới công nghệ.
TPHCM cần chủ động kiến tạo cơ chế phối hợp liên vùng, xây dựng bộ tiêu chuẩn công nghiệp chung, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu chuỗi và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các địa phương vệ tinh, hướng tới một không gian phát triển thống nhất, hài hòa và hiệu quả.
Không dừng lại ở vai trò trung tâm vùng, khi không gian TPHCM mở rộng được tổ chức hiệu quả, năng lực kết nối sẽ lan tỏa mạnh mẽ theo hai hướng chiến lược.
Thứ nhất, kết nối lên phía Bắc qua trục TPHCM - Bình Dương (cũ) - Bình Phước (cũ) - Tây Nguyên - Nam Lào, hình thành hành lang công nghiệp, logistics mới theo trục Bắc - Nam, hỗ trợ phân phối hàng hóa và dịch vụ giữa miền Trung, Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ hai, kết nối xuống phía Nam qua trục TPHCM - Long An (cũ) - Tiền Giang (cũ)- Cần Thơ, thúc đẩy tích hợp vùng nguyên liệu, chế biến và tiêu dùng, rút ngắn chuỗi logistics và phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với thị trường tiêu thụ đô thị quy mô lớn.
Từ đó, không gian TPHCM mở rộng không chỉ đóng vai trò hạt nhân của vùng Đông Nam bộ, mà còn trở thành trục phát triển xuyên vùng, kết nối 3 miền kinh tế lớn gồm: miền Đông công nghiệp hóa; miền Tây nông nghiệp hiện đại và miền Trung - Tây Nguyên giàu tài nguyên, năng lượng, du lịch và tiềm năng chế biến. Đây chính là nền tảng để kiến tạo một cấu trúc phát triển liên hoàn, lan tỏa và bền vững cho Việt Nam.
Gỡ “nút thắt” cản trở khát vọng dẫn dắt vùng
Tuy nhiên, để nâng tầm lên vai trò "hạt nhân điều phối vùng", TPHCM cần vượt qua 3 thách thức chính: (i) sự chồng lấn và trùng lặp chức năng giữa các địa phương; (ii) liên kết hạ tầng kỹ thuật và dữ liệu còn rời rạc; (iii) thiếu cơ chế thể chế điều phối có quyền lực ràng buộc.
Thứ nhất, sự chồng lấn chức năng giữa các địa phương Đông Nam bộ làm suy giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực, gia tăng chi phí đầu tư và tạo ra cạnh tranh không cần thiết trong thu hút ngành nghề.
TPHCM, Bình Dương (cũ), Đồng Nai và Long An (cũ) đều phát triển các ngành tương tự như điện tử, cơ khí, dệt may mà thiếu phân công chiến lược trong chuỗi giá trị. Các KCN gần như trùng lặp về chức năng, nhưng không xác định rõ vai trò từng địa phương trong thiết kế, sản xuất, kiểm định hay xuất khẩu.
TPHCM dù có lợi thế về R&D, logistics và tài chính vẫn chưa phát huy vai trò điều phối chuỗi, chưa xác lập chuẩn mực công nghệ, sản xuất cho toàn vùng. Hệ quả là đầu tư bị dàn trải, FDI bị cạnh tranh nội vùng và chưa hình thành được một hệ thống sản xuất thống nhất, chuyên môn hóa theo lợi thế từng địa phương.
Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là giao thông, logistics và dữ liệu số, vẫn rời rạc, thiếu đồng bộ và chưa được quy hoạch theo tầm nhìn tích hợp. Các địa phương phát triển hạ tầng theo hướng riêng, thiếu phối hợp về tiêu chuẩn và lộ trình, dẫn đến gián đoạn kết nối liên vùng. Hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển chưa thông suốt, khiến thời gian trung chuyển kéo dài, chi phí logistics tăng cao.
Các trung tâm logistics, ICD, kho bãi và cảng cạn phân bổ thiếu hợp lý, gây ùn ứ cục bộ và lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, thiếu nền tảng dữ liệu dùng chung giữa các tỉnh khiến việc giám sát chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc và tối ưu vận hành gặp nhiều khó khăn, làm suy giảm hiệu quả vận hành chuỗi giá trị vùng và hạn chế thu hút đầu tư chất lượng cao.
Thứ ba, vùng Đông Nam bộ vẫn thiếu một cơ chế điều phối đủ mạnh để định hướng chiến lược, giám sát thực thi và điều hành các chương trình liên tỉnh, liên ngành. Hiện mỗi địa phương hoạt động như một thực thể độc lập, với các quyết định quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển KCN và thu hút FDI chủ yếu do cấp tỉnh quyết định, dẫn đến xung đột lợi ích, chồng lấn quy hoạch và thiếu tính bổ trợ.
Sự phối hợp hiện nay chủ yếu mang tính tự nguyện, chưa có thiết chế vùng đủ thẩm quyền pháp lý và ngân sách để điều phối thống nhất. Điều này khiến chiến lược phát triển thiếu tính tổng thể, nguồn lực bị phân tán và hiệu quả đầu tư công - tư bị hạn chế.
Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế chia sẻ lợi ích, phân bổ rủi ro và điều phối tài khóa giữa các địa phương cũng làm suy yếu động lực hợp tác, đặc biệt trong các dự án hạ tầng quy mô lớn có tính lan tỏa cao như logistics, năng lượng và môi trường.
Định hình vai trò dẫn dắt mới cho TPHCM
Trên cơ sở đó, định hướng phát triển TPHCM mở rộng cần tập trung vào ba trụ cột: (i) tổ chức không gian sản xuất theo mô hình phân tầng chức năng - chuyên môn hóa; (ii) xây dựng thể chế điều phối vùng đủ mạnh, có tính pháp lý và tài khóa; (iii) đầu tư vào hạ tầng kết nối vật lý và số, hình thành mạng lưới chuỗi cung ứng tích hợp.
Thứ nhất, về không gian chức năng, vùng lõi TPHCM nên giữ vai trò trung tâm R&D, kiểm định chất lượng, dịch vụ tài chính, logistics và điều phối chính sách công nghiệp vùng.
Khu vực Bình Dương (sau hợp nhất với TPHCM) và Đồng Nai tiếp tục phát triển là cực sản xuất công nghệ cao và phụ trợ, tập trung các ngành như cơ khí chính xác, điện tử, dệt may thông minh và chế biến sâu.
Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu (sau hợp nhất với TPHCM) giữ vai trò đầu mối xuất nhập khẩu, trung tâm năng lượng - hóa dầu - cảng biển và logistics chuyên dụng.
Khu vực Long An (sau hợp nhất với Tây Ninh) sẽ là vùng công nghiệp thực phẩm, bao bì, nông sản chế biến và trung chuyển giữa ĐBSCL và trung tâm tiêu dùng TPHCM.
Khu vực Tây Ninh có thể phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị năng lượng, logistics biên giới và khu công nghiệp sinh thái gắn với hành lang Mộc Bài.
Khu vực Bình Phước (sau hợp nhất với Đồng Nai) đảm nhận vai trò trung chuyển nguyên liệu, phát triển chế biến gỗ, cao su, nông sản và logistics trục Bắc - Nam.
Toàn vùng cần được quy hoạch theo mô hình phân tầng - chuyên môn hóa - liên kết, xác lập rõ vai trò từng địa phương trong chuỗi giá trị chung, gắn với năng lực hạ tầng và thị trường, qua đó hình thành một không gian công nghiệp tích hợp, thống nhất và có năng lực cạnh tranh cấp khu vực.
Mô hình không gian này cần được quy hoạch đồng bộ từ cấp vùng, có bản đồ chuỗi giá trị công nghiệp rõ ràng, đi kèm với quy hoạch khu công nghiệp theo cụm ngành. Mỗi địa phương không phát triển riêng rẽ, mà được xác lập vai trò trong một chuỗi giá trị khép kín, gắn chặt với năng lực liên kết hạ tầng và thị trường đầu ra.
Thứ hai, cần thiết lập cơ chế điều phối vùng chính thức, trong đó TPHCM giữ vai trò chủ trì, dẫn dắt định hướng và bảo đảm liên kết thực chất giữa các địa phương Đông Nam bộ.
Có thể xem xét thành lập ủy ban phát triển vùng Đông Nam bộ để điều phối lập quy hoạch và thực hiện các dự án liên kết vùng. Cơ chế này không làm giảm quyền tự chủ địa phương mà tạo nền tảng phối hợp thống nhất, giảm xung đột quy hoạch, tối ưu phân bổ nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư.
TPHCM cần chủ trì xây dựng bộ tiêu chuẩn vùng về công nghệ, môi trường, logistics và quản trị chuỗi giá trị, làm cơ sở phát triển các khu công nghiệp và hệ sinh thái sản xuất đồng bộ. Đồng thời hình thành cơ chế chia sẻ lợi ích, rủi ro và dữ liệu, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng.
Đây sẽ là nền tảng thể chế giúp mỗi địa phương phát huy lợi thế riêng và cùng đóng góp vào mục tiêu phát triển chung của toàn vùng.
Thứ ba, về hạ tầng, TPHCM cần dẫn đầu trong triển khai các trục kết nối chiến lược như vành đai 3, 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và mạng logistics chuyên dụng từ khu công nghiệp đến cảng biển. Song song là đầu tư vào hệ thống logistics mềm: dữ liệu chuỗi cung ứng, kho bãi thông minh, trung tâm logistics liên tỉnh và cảng cạn ICD tại Long An (cũ), vùng Bình Dương (cũ), vùng Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ).
Mở rộng không gian TPHCM và hình thành vùng công nghiệp tích hợp là bước đi chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khi thể chế điều phối rõ ràng, không gian chức năng phân vai hợp lý và hạ tầng được kết nối đồng bộ, TPHCM sẽ phát huy vai trò hạt nhân liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa mạnh mẽ ra cả Tây Nguyên, miền Trung và ĐBSCL.
Đây chính là nền tảng để chuyển từ phát triển phân mảnh sang tích hợp, từ gia công sang làm chủ chuỗi giá trị.
TS. Huỳnh Thanh Điền