Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị
Chiều ngày 15/4/2025, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị lần thứ 39 khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025), ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có: ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Hội nghị lần thứ 39 khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) do Thành ủy TPHCM tổ chức chiều ngày 15/4/2025
Phát biểu khai mạc và định hướng nội dung trọng tâm thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là hội nghị quan trọng, diễn ra trong bối cảnh thành phố đang bước vào giai đoạn then chốt triển khai các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đặc biệt là việc thực hiện các nghị quyết mới của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp. Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quý I/2025.
Trong đó, việc chuẩn bị, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm và sự trân trọng đối với lịch sử.
Các hoạt động được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và địa phương. Đề án tổng thể về các hoạt động kỷ niệm được chuẩn bị chu đáo, với nhiều sáng kiến thiết thực, hướng tới lan tỏa giá trị truyền thống và lòng yêu nước trong toàn xã hội.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại… tiếp tục được triển khai nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được thực hiện kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn của Thành phố.
Đặc biệt, Thành phố đã tích cực triển khai các bước chuẩn bị thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 về việc sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Đây là nhiệm vụ mang tính lịch sử, chưa từng có tiền lệ, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải nhập cuộc với tinh thần chủ động, cầu thị và quyết tâm cao nhất. Thành phố đã và đang khẩn trương xây dựng các đề án, phương án liên quan đến việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo tinh gọn đầu mối, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo.
Việc xây dựng đề án được thực hiện trên tinh thần "vừa chạy vừa sắp xếp hàng", đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và yêu cầu thực tiễn. Trong quá trình triển khai, Thành phố luôn chú trọng yếu tố đồng thuận xã hội, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân theo đúng quy định của Trung ương.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên biểu dương sự chủ động của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách thời gian qua. Một số cơ quan, đơn vị đã giảm đầu mối, bố trí lại tổ chức bên trong, từng bước đi vào hoạt động ổn định.
Công tác chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp dù phải tạm dừng một số nội dung chờ sắp xếp bộ máy, nhưng cơ bản vẫn đảm bảo tiến độ chung theo yêu cầu. Bí thư Thành ủy yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân…
Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND Thành phố trình dự thảo Phương án thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trong đó, về tiêu chí thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã: Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã hiện nay theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành các ĐVHC cấp xã mới, gồm: xã, phường và đặc khu (không còn loại hình ĐVHC thành phố, thị xã, quận, huyện, thị trấn).
ĐVHC cấp xã sau sắp xếp không phải là cấp huyện thu nhỏ, có quy mô dân số và diện tích tự nhiên quá lớn. Phải đảm bảo chính quyền địa phương cấp xã quán xuyến được địa bàn, nắm tình hình, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt nhất.
Theo dự kiến tiêu chí sắp xếp ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp cần đảm bảo các tiêu chí (theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025).
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Việt Dũng (SGGP)
Về số lượng ĐVHC cấp xã mới, Đảng ủy UBND Thành phố kiến nghị Phương án sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu thành lập 102 ĐVHC cấp xã mới, cụ thể: Tổng số ĐVHC cấp xã hiện tại là 273 ĐVHC thực hiện sắp xếp, thành lập 102 ĐVHC cấp xã mới, đạt tỷ lệ 37,36%; giảm 171 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ 62,64%). Phương án sắp xếp về 102 ĐVHC cấp xã mới đảm bảo giảm đúng tỷ lệ 60 - 70% số lượng ĐVHC cấp xã cũ theo Nghị quyết số 60-NQ/TW.
Khi thực hiện Phương án sắp xếp 102 ĐVHC cấp xã mới sẽ kết hợp điều chỉnh ranh địa giới tại đơn vị đang có ranh chồng lấn: Thành phố Thủ Đức và tỉnh Bình Dương (khu vực Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Quận 6 đề xuất mở ranh một phần Phường 16, Quận 8; 3 ĐVHC phường tại Quận 8 đề xuất điều chỉnh, mở ranh với 3 xã Bình Hưng, Phong Phú và An Phú Tây của huyện Bình Chánh; Quận Gò Vấp có ấp Voi chồng lấn ranh với Quận 12; Quận Tân Phú điều chỉnh ranh công viên (chuyển phần ranh nhỏ công viên qua quận Bình Tân); Huyện Hóc Môn xem xét điều chỉnh ranh phần chồng lấn với huyện Củ Chi.
Về tên gọi các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp, dự kiến Quận 1 có 1 ĐVHC lấy tên là Sài Gòn; Quận 5 có 1 ĐVHC lấy tên là Chợ Lớn; Quận 11 đổi tên phường Cây Mai thành Minh Phụng; Quận 3, 7, 10, Tân Bình và huyện Củ Chi xem xét đổi tên các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thống nhất chủ trương giảm khoảng 60% - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay theo tỷ lệ chung cả nước; đồng thời bảo đảm các tiêu chí theo quy định của Trung ương.
Tuy nhiên không đặt nặng vấn đề tỷ lệ và sắp xếp cơ học theo không gian đơn vị hành chính cũ, mà cần phải tính toán, bố trí lại không gian phù hợp, hài hòa, bảo đảm gần dân, sát dân, thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và đời sống.
Về tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với truyền thống, văn hóa, lịch sử, nhất là chọn những tên gọi tiêu biểu, đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm tư, tình cảm của người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.
Quán triệt nguyên tắc xã, phường không phải là cấp huyện thu nhỏ mà là cấp chính quyền cơ sở sát dân nhất để từ đó định hình khung tổ chức bộ máy của cấp xã và khu phố, ấp, bảo đảm vận hành ổn định, hiệu quả sau khi thành lập và ít gây xáo trộn nhất. Đồng thời cũng triển khai ngay công tác lấy ý kiến của nhân dân theo quy định.
Nguyễn Song