Bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Loan tại phiên tòa xét xử. Ảnh: T.Tâm
Bị cáo Loan đã lập bảng chấm công, bảng thanh toán khống để chiếm đoạt của công ty tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Lập khống bảng chấm công
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, vào năm 2008, Loan được tuyển dụng vào Công ty T.L. (huyện Long Thành) làm nhân viên lao động tiền lương. Sau đó, Loan được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ Lao động tiền lương kiêm thủ quỹ. Nhiệm vụ chính của Loan là tính lương, lập thủ tục chi trả lương qua hệ thống ngân hàng cho người lao động của công ty.
Lợi dụng việc thiếu kiểm tra của lãnh đạo Công ty T.L. cũng như được toàn quyền quyết định mà không bị đối chiếu, so sánh lại các giấy tờ, bị cáo Loan đã lập ra bảng chấm công, bảng thanh toán lương khống (những người nghỉ phép, nghỉ bệnh, nghỉ thai sản, nghỉ không đi làm nhưng vẫn được chấm công ngày đi làm, hoặc nâng khống ngày đi làm của công nhân trong tháng).
Cụ thể, đến ngày trả lương, Loan nhận bảng chấm công và lập lại danh sách trả lương qua thẻ ATM (đã được chỉnh sửa người nhận khống) in ra giấy để trình trưởng phòng hành chính nhân sự xem xét, tổng giám đốc và kế toán trưởng ký duyệt phiếu đề nghị thanh toán. Dựa vào danh sách trả lương, bộ phận kế toán lập ủy nhiệm chi có ký duyệt của tổng giám đốc. Sau đó, Loan cầm bảng thanh toán lương qua thẻ ATM (đã chỉnh sửa người nhận), kèm theo ủy nhiệm chi đưa cho nhân viên ngân hàng chuyển lương.
Sau khi ngân hàng chuyển tiền lương cho cán bộ, công nhân viên vào 13 tài khoản thẻ ATM cá nhân (những tài khoản do Loan tự mở, quản lý; sử dụng tài khoản là người thân và người quen của Loan). Sau khi nhận được tiền lương khống, Loan chuyển trả cho người lao động đúng với số tiền họ được hưởng trong tháng, số tiền còn dư thì Loan rút ra chiếm đoạt.
Đơn cử như công nhân D.T.T.N. trong tháng 11-2011 có 2 ngày công (hơn 200 ngàn đồng), còn lại nghỉ bệnh; nhưng Loan đã kê khống ngày công, tăng ca, phụ cấp của N. trong bảng chấm công rồi trình cho tổng giám đốc công ty duyệt. Sau khi được ký duyệt, Loan đổi tên trong bảng thanh toán lương tháng để chuyển từ tên người nhận lương D.T.T.N. sang tên Hà Thị Lợi. Bảng lương này Loan gửi cho ngân hàng thanh toán vào tài khoản của người tên Lợi (tài khoản này Loan quản lý) rồi chiếm đoạt hơn 3,5 triệu đồng.
Hay như công nhân N.T.T. trong tháng 2-2014 có 2 ngày công (được 215 ngàn đồng), còn lại nghỉ làm; nhưng Loan đã thực hiện kê khống ngày công, tăng ca, phụ cấp của N.T.T. trong bảng chấm công rồi trình tổng giám đốc duyệt. Sau khi được ký duyệt, Loan đã đổi tên người nhận tiền từ chị N.T.T. sang tên Nguyễn Minh Hoàng và nâng khống số tiền trong bảng thanh toán lương lên gần 4,5 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Loan đã chuyển cho chị N.T.T. 215 ngàn đồng, số còn lại chiếm đoạt.
Bằng thủ đoạn như trên, trong thời gian từtháng 10-2011 đến tháng 12-2015, Loan đã 50 lần lập khống bảng chấm công, bảng chấm lương, lập danh sách chuyển lương vào tài khoản của 13 cá nhân do Loan quản lý, sử dụng, chiếm đoạt của Công ty T.L. hơn 1,3 tỷ đồng.
Ngày 17-1, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Loan 7 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Mất cả chì lẫn chài”
Đứng trước phiên tòa xét xử ngày 17-1, bị cáo Loan khóc nghẹn vì hối hận. Bị cáo cho biết, bản thân rất bất ngờ khi bị bắt giữ, toàn bộ tài sản theo đó biến mất, đến căn nhà đang ở cũng bị kê biên. Từ một người có cuộc sống ổn định, thu nhập đủ nuôi sống gia đình, chỉ vì sai lầm đã rơi vào vòng xoáy tù tội và mất đi tất cả.
Cũng tại phiên tòa xét xử, bị cáo Loan cho rằng, để thực hiện được hành vi thì bị cáo có sự hậu thuẫn của ông T.Q.T. (nguyên tổng giám đốc công ty). Sau khi lấy tiền, bị cáo đã chuyển cho ông T. và được chia lại một phần tiền nhỏ tiêu xài.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Loan cho rằng, một mình bị cáo Loan không thể thực hiện được hành vi lập khống bảng lương và bảng chuyển tiền ngân hàng. Tất cả giấy tờ đều được tổng giám đốc và trưởng phòng hành chính nhân sự kiểm tra và ký nhận nên cần làm rõ hành vi của những người này. Đồng thời, cần xác định hành vi thiếu trách nhiệm của ông T. để cùng bị cáo bồi thường thiệt hại cho công ty.
Tuy nhiên, theo đại diện VKSND tỉnh, quá trình điều tra xác định nguyên tổng giám đốc và trưởng phòng hành chính nhân sự của Công ty T.L. không biết việc bị cáo Loan chiếm đoạt tiền và không hưởng lợi gì nên không cấu thành tội phạm. Sau khi phát hiện sự việc, ông T. đã làm đơn tố giác gửi đến cơ quan công an và bị cáo Loan đã làm đơn xin nghỉ việc.
Hội đồng Xét xử nhận định, bị cáo Loan đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, biết rõ việc xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác là vi phạm pháp luật. Nhưng trong quá trình làm việc tại Công ty T.L., lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của người có thẩm quyền, Loan đã lập khống giấy tờ để chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng. Do vậy, cần xử phạt bị cáo Loan mức án thật nghiêm, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội nhằm giáo dục bị cáo trở thành người tốt, đồng thời để răn đe và phòng ngừa chung.
Tại phiên tòa, nguyên lãnh đạo công ty thừa nhận có một phần lỗi trong việc quản lý, điều hành và công ty đã có đơn bãi nại cho bị hại nên cần giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Tố Tâm