Thời gian gần đây, trước sự phát triển nhanh, mạnh của các mặt kinh tế, xã hội, đặc biệt là sau thời điểm sáp nhập, tinh giản bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, khối lượng công việc tăng thêm rất lớn đòi hỏi người đứng đầu phải chịu áp lực trách nhiệm nặng nề. Đến mức, nếu không đủ năng lực, tâm huyết và cả sức khỏe thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và luôn đặt công tác này lên vị trí hàng đầu trong xây dựng Đảng và Nhà nước với quan điểm “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Đề cập đến việc lựa chọn cán bộ, Người từng nhấn mạnh một số tiêu chuẩn cốt lõi của người đứng đầu như trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; luôn gần dân, hiểu dân và luôn chú ý đến lợi ích của Nhân dân; có thể xử lý quyết đoán và hiệu quả mọi công việc dù khó khăn đến mấy...
Trao đổi với cử tri phường Vĩnh Yên sau sáp nhập, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.
Chia sẻ về công việc bộn bề của địa phương sau sáp nhập, đặc biệt là về trách nhiệm của người đứng đầu, đồng chí Ngô Hữu Mai - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thành cho biết: Sau sáp nhập, hầu hết các địa phương đều có không gian mới, nhân sự mới, công việc mới và khó khăn đôi khi cũng rất mới. Khó khăn lớn nhất là số lượng nhân sự có hạn trong khi công việc tăng thêm nhưng hệ thống trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn còn thiếu thốn và chưa đồng bộ.
Chính vì vậy, Ban lãnh đạo xã xác định những người ở vị trí đứng đầu phải nhanh chóng nắm chắc tình hình, làm tốt công tác phân tích, dự báo, chủ động các phương án, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trọng tâm, trọng điểm để có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh, vấn đề khó, nhạy cảm.
Để làm được điều này, đòi hỏi người lãnh đạo phải hội tụ đủ những yếu tố như có tinh thần đoàn kết, công tâm, khách quan, vì sự phát triển chung của địa phương...
Trước đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng công việc, đồng chí Nguyễn Việt Phương - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy phường Xuân Hòa cho rằng, người lãnh đạo cần có trách nhiệm cao với công việc thuộc thầm quyền; có tư duy năng động, sáng tạo; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám vượt qua khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; có tác phong và phương pháp làm việc linh hoạt, khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Người lãnh đạo cũng cần có thái độ giao tiếp thân thiện, cởi mở, lắng nghe, tôn trọng Nhân dân; có lề lối, tác phong làm việc ứng xử chuẩn mực với Nhân dân, đáp ứng cao nhất mọi yêu cầu của văn hóa công vụ qua việc lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo...
Ngẫm trong bối cảnh hiện nay, khi mà công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã cơ bản vào guồng thì nơi này, nơi kia, thời điểm này, thời điểm khác vẫn có tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở vị trí người đứng đầu. Thái độ làm việc cầm chừng với quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai” là nguy cơ đáng báo động, bởi nó ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả công việc.
Thực tế cho thấy, cán bộ, đảng viên, người giữ chức vụ biết sợ sai là tốt nhưng chỉ nên sợ trên cơ sở nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu rõ các nguyên tắc của Đảng, quy định của pháp luật... Từ đó, mỗi người cần thường xuyên nghiên cứu, học tập, bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức để không xảy ra sai sót, chứ không phải vì sợ sai mà không làm gì. Thường những người mà năng lực, trình độ có hạn thì làm gì cũng sợ sai, không dám chỉ đạo, không dám quyết định.
Người cán bộ mà trong công việc có sự tính toán lợi ích cá nhân sẽ dẫn đến việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc để người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm những việc không đúng quy định của pháp luật. Người cán bộ vững chuyên môn, công tâm trong công việc, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, chấp hành tốt các nguyên tắc tổ chức của Đảng, quy định, pháp luật của Nhà nước, kiểm soát được quyền lực, minh bạch, rõ ràng trong từng khâu thực hiện nhiệm vụ thì khó có thể làm sai.
Đất nước đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, ở mỗi cấp, ngành, địa phương, đơn vị đều cần có những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Hiện thực hóa chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 (ngày 22/9/2021) về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo. Theo đó, trường hợp người cán bộ dám nghĩ, dám làm, có những đề xuất đổi mới nhưng kết quả thực hiện thí điểm không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp...
Quang Nam