Trách nhiệm pháp lý trong vụ chồng đánh vợ dã man khi đang bồng con ở Long An

Trách nhiệm pháp lý trong vụ chồng đánh vợ dã man khi đang bồng con ở Long An
8 giờ trướcBài gốc
Như PLO đã đưa tin, lực lượng chức năng tỉnh Long An đang vào cuộc điều tra đoạn video clip ghi cảnh chồng đánh vợ lan truyền trên mạng xã hội.
Cụ thể, theo nội dung clip, người phụ nữ đang bồng con nhỏ thì bị chồng dùng tay đánh tới tấp vào đầu, mặt, giật tóc. Vừa đánh người chồng còn chửi vợ là chó, trong khi nạn nhân kêu cứu và dùng tay bảo vệ con nhỏ vì sợ chồng đánh trúng.
Ngay sau khi clip được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người đã tỏ ra phẫn nộ và lên án hành vi bạo lực này. Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm.
Cơ quan chức năng tỉnh Long An đang vào cuộc xác minh người đàn ông đánh vợ trong clip đang lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ việc này, Luật sư Đặng Kim Chinh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết dựa vào diễn biến hành vi được ghi nhận trong đoạn clip thì có thể thấy đây là một trong những hành vi bạo lực gia đình bị pháp luật nghiêm cấm.
Cụ thể, điểm a, khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022 nêu rõ hành vi bạo lực gia đình bao gồm các hành vi như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng đối với các thành viên trong gia đình.
Cũng tại Điều 5 của Luật này thì nghiêm cấm người nào thực hiện các hành vi bạo lực gia đình. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ, hậu quả gây ra mà sẽ có những chế tài xử lý khác nhau.
Điều 52 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Đồng thời người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu và buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, các hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Điều luật này quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: Có tính chất côn đồ, khi đang chấp hành án phạt tù... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo đó, trong trường hợp này người vợ có thể tố giác đến cơ quan Công an tại địa phương nơi đang cư trú để yêu cầu xử lý (vì tội phạm quy định tại khoản 1, Điều 134 thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại). Căn cứ vào đơn tố giác của người vợ, cơ quan Công an sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tật đối với những thương tích do hành vi của người chồng gây ra và tiến hành xác minh những vấn đề liên quan đến nhân thân của người chồng.
Trường hợp kết quả thương tật thể hiện người vợ bị thương tật từ 11% trở lên thì có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người chồng. Trường hợp tỉ lệ thương tật dưới 11% cơ quan Công an vẫn xử lý được nếu như trong quá trình điều tra, xác minh có đủ căn cứ để xác định người chồng rơi vào các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 134 bộ luật Hình sự.
Cũng theo luật sư, đối với hành vi bạo lực gia đình nêu trên cơ quan chức năng cũng có thể xem xét để xử lý về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình quy định tại Điều 185 BLHS.
Theo đó, người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp như: Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ở tội danh này thì không bắt buộc bị hại phải làm đơn tố giác mà cơ quan Công an có thể dựa vào thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng (Điều 144 bộ luật tố tụng hình sự) để vào cuộc xác minh.
Bạo lực gia đình là căn cứ để giải quyết ly hôn
Trong trường hợp người vợ không muốn tiếp tục chung sống và muốn ly hôn với chồng thì có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án để được giải quyết ly hôn. Trong trường hợp này Tòa án khi thụ lý giải quyết ly hôn sẽ căn cứ vào những hành vi bạo lực gia đình của người chồng để giải quyết.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Theo Nghị quyết 01/2024 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình là hành vi quy định tại khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như đã nêu ở trên.
Do đó, trong trường hợp này Tòa án hoàn toàn có căn cứ để giải quyết ly hôn nếu nếu một trong hai bên có yêu cầu.
Luật sư Đặng Kim Chinh, Đoàn Luật sư TP.HCM
ĐẶNG LÊ
Nguồn PLO : https://plo.vn/trach-nhiem-phap-ly-trong-vu-chong-danh-vo-da-man-khi-dang-bong-con-o-long-an-post846091.html