Trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp Việt

Trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp Việt
3 giờ trướcBài gốc
Trước sự thay đổi như vũ bão trong kỷ nguyên số, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn.
Tàu cập cảng Hải Phòng. Ảnh: TTXVN
Tiên phong làm chủ công nghệ
Hiện cả nước có hơn 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và khoảng 15 nghìn hợp tác xã. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP và hơn 90% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hằng năm.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đạt quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, tham gia dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và đóng góp vào việc xây dựng, hình thành, quảng bá thương hiệu quốc gia, cũng như xác lập vị thế trong khu vực, như Viettel, VinGroup, FPT, THACO, Hòa Phát, Vinamilk... Không ít doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà đầu tư, mang vốn đi triển khai dự án sản xuất, kinh doanh ở Lào, Campuchia, Hoa Kỳ, Nga, EU, châu Phi, châu Mỹ...
Trong kỷ nguyên công nghệ, không ít doanh nghiệp, doanh nhân đã nhạy bén, tiên phong làm chủ công nghệ mới, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo dựng thương hiệu và hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển...
Những thành quả ngày càng được khẳng định trên đường trưởng thành của nhiều doanh nghiệp Việt. Đơn cử, Tập đoàn TH đã thành công trong việc đưa thương hiệu sữa Việt Nam ra thế giới, khiến ngành sữa thế giới bất ngờ khi đầu tư Dự án tổ hợp sản xuất và chế biến sữa tươi sạch cùng một số dự án thực phẩm khác với số vốn 2,7 tỷ USD tại Liên bang Nga. Siêu dự án này hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với 3 trang trại đang hoạt động, cung cấp sữa tươi nguyên liệu chất lượng cao cho thị trường Nga, một nhà máy chế biến sữa cũng đang được xây dựng.
Một ví dụ khác: Sau hơn 2 năm tính từ khi chuyển đổi sang xe thuần điện, với doanh số lũy kế hơn 67.000 xe ô tô điện được bàn giao trong 11 tháng của năm 2024, VinFast đã đưa Việt Nam trở thành thị trường có thương hiệu xe điện đứng ở vị trí cao. Tỉ lệ nội địa hóa hơn 60% của doanh nghiệp này là con số rất ấn tượng, khẳng định năng lực, trình độ của hãng xe Việt Nam.
Năm 2024 tiếp tục chứng kiến nhiều thành công nổi bật ở lĩnh vực đầu tư quốc tế của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) khi đây là năm thứ 6 các thị trường nước ngoài đạt tăng trưởng 15%. Với một mạng lưới luôn hướng tới tiêu chí tốt nhất về vùng phủ, tốc độ..., Viettel đang tiếp tục đầu tư các công nghệ mới như mở rộng mạng 4G tại châu Phi và triển khai 5G tại châu Á.
Nhưng thực tế cũng cho thấy một số hạn chế, bất lợi của doanh nghiệp, như quy mô doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn nhỏ bé, với khoảng 98% là nhỏ và vừa, đồng thời bộc lộ những điểm yếu có tính cố hữu. Đó là tình trạng thiếu vốn, hạn chế về trình độ, kỹ năng quản lý, lạc hậu về công nghệ..., nên còn gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, sự hạn chế còn thể hiện ở chỗ số lượng doanh nghiệp quy mô lớn, đủ năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng nội địa cũng như tham gia xuất khẩu còn ít; tính liên kết, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu, thiếu đồng đều.
Định vị vị thế kinh tế quốc gia
Với tinh thần kiến tạo, đồng hành, Chính phủ đang triển khai mạnh mẽ việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Theo thời gian, ngày càng có nhiều hiệp hội ngành nghề và doanh nhân đánh giá "tích cực" hoặc “hài lòng” về môi trường đầu tư, kinh doanh, an tâm khi tham gia thị trường.
Tuy nhiên, trước những điểm yếu đã được nhận diện, giới doanh nhân, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thể chế, cơ chế, chính sách được hoàn thiện nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Cải cách hành chính cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh hơn, thực chất hơn, với mục tiêu phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn...
Kỳ vọng của giới doanh nhân, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở, khi chúng ta đang triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Bộ máy tinh, gọn, mạnh chính là để phục vụ doanh nghiệp, người dân hiệu quả; là để khơi thông, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; là kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh với thủ tục hành chính đơn giản, không còn chồng chéo, giúp doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội đầu tư... Chính phủ số được thúc đẩy mạnh mẽ để tạo ra môi trường hành chính minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, chi phí cho khâu thủ tục thấp...
Hơn nữa, Nhà nước đang dành nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng. Đó là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các cảng biển quốc tế... Đáng mừng là tham gia vào những dự án lớn này với vai trò nhà đầu tư, nhà thầu là những doanh nghiệp trong nước mạnh cả về tài chính, quản trị, công nghệ.
Các chuyên gia cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho một số mục tiêu cụ thể, thiết thực nhất là chuyển đổi số, chuyển sang sản xuất xanh - sạch, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ mới...
Thống kê cho thấy, nếu ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hàng hóa, đơn vị kinh doanh có thể giảm 4% chi phí, làm tốt hơn nữa thì có thể giảm tới 8% chi phí. Bên cạnh đó, khi ứng dụng tốt trí tuệ nhân tạo, tỉ lệ tiết giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và mức độ tối ưu hóa trong xử lý vấn đề tốt hơn hẳn so với cách vận hành truyền thống...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chuẩn bị tâm thế ứng phó với những khó khăn, bất lợi. Các đơn vị đang chủ động liên kết hợp tác với nhau cùng phát triển, đồng thời hình thành hệ sinh thái, nỗ lực hình thành các doanh nghiệp dân tộc, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để kiến tạo, định vị vị thế kinh tế của quốc gia. Với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, doanh nghiệp, doanh nhân chính là nòng cốt, quyết định sự thành bại của nền kinh tế đất nước.
Tại nhiều hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn đề nghị các cấp, ngành cùng doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ quan trọng. Đó là tham gia thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực). Tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức). Chủ động góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế về thương mại, thu nhập, cung - cầu lao động...
Những động thái nói trên nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2025, trong đó có nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8%, tạo đà hiện thực hóa giấc mơ tăng trưởng hai chữ số ở những năm tiếp theo.
Khát vọng vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang tạo động lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức mạnh, hiệu quả hoạt động, đóng góp nhiều hơn nữa để đất nước phát triển bền vững.
Hồng Sơn
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/trach-nhiem-tien-phong-cua-doanh-nghiep-viet-692036.html