Nhỏ nhưng có tiềm năng
Nói đến trái cây xuất khẩu, doanh nghiệp và chuyên gia sẽ nghĩ ngay đến sầu riêng với kim ngạch hàng tỉ đô la mỗi năm; hay dưa hấu, thanh long... mà ít ai nghĩ đến trái chanh dây nhỏ nhoi, buồng chuối hay các buồng dừa. Thế nhưng, theo ông Ngô Quốc Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, chanh dây, chuối, dứa và dừa đang nắm giữ tiềm năng xuất khẩu to lớn nhưng để khai thác hiệu quả, ngành nông nghiệp cần vượt qua nhiều thách thức về chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.
Chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản phải có mục tiêu là thị trường và thị trường phải là “thị trường tiêu chuẩn”. Trong ảnh: Chế biến chuối xuất khẩu tại một hợp tác xã ở Lâm Đồng. Ảnh: HÙNG LÊ
Trong đó, chanh dây được kỳ vọng đạt sản lượng 250.000 - 300.000 tấn vào năm 2030 nhưng vẫn đối mặt với thách thức về giống và kỹ thuật canh tác. Mặt hàng chuối đã vào được nhiều thị trường như Nhật, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) nhưng lại bị hạn chế bởi việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và thiếu sản phẩm chế biến sâu.
Một sản phẩm khác là dứa được xuất khẩu đến hơn 122 thị trường nước ngoài, dự kiến đạt gần 1 triệu tấn vào năm 2030 nhưng thiếu liên kết vùng trồng - nhà máy chế biến. Ngoài ra, dừa có diện tích lớn, xuất khẩu mạnh lại hạn chế về vấn đề truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất tốt) còn hạn chế.
Do vậy, những yêu cầu về giấy phép xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc, nhật ký canh tác đầy đủ, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đạt chuẩn cùng với giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và vi sinh vật gây hại cần được chú trọng. Mục tiêu cuối cùng là đạt được sự chấp thuận chính thức từ nước nhập khẩu để xuất khẩu chính ngạch.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh dây, chuối, dứa, dừa” hôm 18-7 tại TPHCM, các chuyên gia đều có chung nhận định, đó là những mặt hàng có tiềm năng lớn nhưng đang đối mặt với nhiều rào cản như chất lượng chưa đồng đều, kỹ thuật canh tác chưa chuẩn hóa, sản xuất manh mún và thiếu liên kết chuỗi giá trị.
Bà Trần Lệ Hoa, Phó ban Khoa học xã hội, Hiệp hội dừa Việt Nam, cho biết năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi Việt Nam đạt 390 triệu đô la Mỹ, vươn lên đứng thứ ba trong nhóm trái cây xuất khẩu chủ lực và đã thâm nhập vào thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu dừa vẫn gặp nhiều thách thức như cạnh tranh từ các nước Đông Nam Á, nguồn cung không ổn định, hạ tầng logistics yếu và thương hiệu còn mờ nhạt. Rất khó để ai tìm ra thương hiệu dừa xuất khẩu có uy tín trong khi Việt Nam là quốc gia trồng và xuất khẩu dừa lớn hàng chục năm qua. Bà Hoa nêu ra một số giải pháp gồm bảo hộ giống, phát triển thương hiệu theo vùng, hỗ trợ đầu tư vào vùng trồng tập trung, đưa cây dừa vào chương trình phát triển quốc gia và tăng cường xúc tiến thương mại quốc tế.
Cùng với đó là hỗ trợ pháp lý và thủ tục đầu tư cho các dự án dừa uống nước tập trung, đặc biệt tại các vùng khó khăn, giúp nông dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng và xuất khẩu trực tiếp, tăng cường quảng bá sản phẩm dừa thông qua các hội chợ và đoàn xúc tiến thương mại quốc tế…
Vẫn là bài toán bảo quản, chế biến sâu
Nhân công chế biến trái chanh dây. Ảnh: TL
Ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (VIAEP), giới thiệu những công nghệ giúp nâng cao hiệu quả sơ chế, bảo quản và chế biến sâu cho các loại trái cây chủ lực này. Trong bảo quản sau thu hoạch, VIAEP đã giới thiệu giải pháp bảo quản lạnh ẩm kết hợp sóng điện từ, khí quyển kiểm soát (CA), bao gói khí quyển biến đổi (MAP) và chế phẩm tạo màng. Điều này kéo dài thời gian bảo quản quả có múi đến 90 ngày. Cơ quan này sẵn sàng chuyển giao công nghệ xử lý chín bằng khí Ethylene.
Về chế biến sâu, một số công nghệ được đề xuất là sấy bơm nhiệt giữ nguyên chất lượng sản phẩm; chiên chân không sản xuất snack dinh dưỡng. Ngoài ra, công nghệ cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng (Liquid Freezer) giúp giảm 50% chi phí điện năng, rút ngắn thời gian cấp đông (18-20 phút) với chi phí đầu tư chỉ bằng 30% so với nhập khẩu từ Nhật Bản.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng nêu giải pháp chế biến nước ép/puree nâng tỷ lệ thu hồi và thời gian bảo quản; đa dạng hóa sản phẩm từ dưa hấu như sữa chua probiotic, phụ phẩm lên men, góp phần giải quyết tình trạng "được mùa mất giá".
Biết đâu 1-2 năm tới, trong nhóm trái cây tỉ đô, ngoài sầu riêng, thanh long, sẽ là trái chanh dây trồng, trái chuối, trái dừa.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến nay Việt Nam có 1,3 triệu héc ta trồng cây ăn quả, có tổng sản lượng hàng năm ước đạt 15 triệu tấn.
Cả nước có hơn 50 loại cây ăn quả phân bố rộng khắp các vùng miền. Dù quy mô sản xuất ngày càng tăng nhưng mới chỉ có mặt hàng sầu riêng là trái cây duy nhất trong nhóm hàng xuất khẩu “tỉ đô”, khi đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2,3 tỉ đô la năm 2023 và 3,3 tỉ đô la năm ngoái. Mặt hàng thanh long từng đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ đô la nhưng đã liên tục giảm trong những năm gần đây và chỉ đạt 534 triệu đô la năm ngoái.
Trúc Đào