Trải nghiệm 'Nghiêng say mùa Đông' trên cao nguyên trắng Bắc Hà

Trải nghiệm 'Nghiêng say mùa Đông' trên cao nguyên trắng Bắc Hà
một ngày trướcBài gốc
Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà, với chủ đề "Nghiêng say mùa Đông" sẽ khai hội vào tối ngày 30/11 tại thị trấn Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng
Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà hội tụ tinh hoa của đồng bào dân tộc ở vùng đất Pạc kha xưa
Từ lâu, Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần tạo nên thương hiệu cho du lịch ở vùng đất này.
Đây là hoạt động nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Bắc Hà; đồng thời bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại địa phương.
Sự kiện cũng nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phục hồi, tăng trưởng trở lại các hoạt động du lịch của huyện Bắc Hà sau bão số 3, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2024, với chủ đề "Nghiêng say mùa Đông" sẽ diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 7/12/2024.
Ngoài chương trình khai mạc chính vào 19 giờ 30 phút ngày 30/11 tại sân khấu chợ đêm Bắc Hà, trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - thể thao đặc sắc như: Giải du lịch thể thao tổng hợp, Giải marathon vượt núi Tây Bắc lần thứ 3; Ngày hội thể thao các dân tộc huyện Bắc Hà; Hội thi trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số; Hội thi ẩm thực "Mâm cơm Bắc Hà"; Hội thi trình diễn nghệ thuật khèn Mông huyện Bắc Hà lần thứ 3.
Bên cạnh đó còn diễn ra một số hoạt động tại Dinh Hoàng A Tưởng như: Tái hiện chợ phiên vùng cao; Tái hiện không gian văn hóa người Mông, người Tày, người Nùng, người Dao; Trưng bày triển lãm tranh "Bắc Hà bốn mùa nghiêng say"; Lễ hội Hoa hồng; Chương trình biểu diễn "Vũ điệu cao nguyên trắng"; Không gian trưng bày "Thổ cẩm và quà tặng từ hoa hồng"; Tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các nghề thủ công truyền thống.
Cái tên Bắc Hà xuất phát từ tiếng Tày "Pạc kha" có nghĩa là " Một trăm bó gianh". Tương truyền rằng, ngày xưa trên núi Ba mẹ con (Một ngọn núi biểu tượng của Bắc Hà) có rất nhiều ong, để đi qua đó được người dân phải đốt những bó gianh thật lớn để đuổi ong. Bắc Hà là nơi quần tụ của đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng... từ xa xưa cho đến ngày nay.
Cái tên Pạc kha đã ra đời một cách dung dị như thế.
Công dân và Khuyến học giới thiệu một số hình ảnh về Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà, với chủ đề "Nghiêng say mùa Đông"
Thiếu nữ dân tộc Mông trong ngày hội "Nghiêng say mùa Đông". Ảnh: Quốc Hồng
Nam giới người Mông chuẩn bị thi thổi khèn Mông giỏi. Ảnh: Quốc Hồng
Lễ hội hoa hồng tại dinh Hoàng A Tưởng. Ảnh: Quốc Hồng
Hoa hồng Bắc Hà nở to, cánh dày, màu sắc rực rỡ hấp dẫn du khách, nhất là thiếu nữ trẻ. Ảnh: Quốc Hồng
Giữ nghề truyền thống se lanh dệt vải làm thổ cẩm may trang phục dân tộc. Ảnh: Quốc Hồng
Trang phục dân tộc Mông được làm thủ công rất đẹp và bền màu. Ảnh: Quốc Hồng
Thi "Mâm cơm nhà mình" để bảo tồn ẩm thực dân tộc tại Lễ hội "Nghiêng say mùa Đông". Ảnh: Quốc Hồng
Món bánh chưng đen nổi tiếng của người Tày ở Bắc Hà. Ảnh: Quốc Hồng
Lạp xường hun khói gác bếp, được làm từ thịt lợn đen bản địa rất ngon và an toàn. Ảnh: Quốc Hồng
Đến Bắc Hà, du khách thưởng thức món bánh phở gạo đỏ đặc hữu của địa phương, được tráng và cuốn lại như thế này. Ảnh: Quốc Hồng
Thưởng thức món xôi bảy màu dẻo thơm, ngon độc đáo. Ảnh: Quốc Hồng
Và không quên món "Thắng cố ngựa" nổi danh của cao nguyên trắng Bắc Hà, với các gia vị đặc trưng riêng có và cách nấu truyền đời của người Mông nơi đây. Ảnh: Quốc Hồng
Mâm cơm gồm xôi bảy màu, lạp xường và thịt gà đen cùng cá suối nấu măng chua của người Tày bản địa. Ảnh: Quốc Hồng
Buổi tối, du khách dạo chơi chợ đêm, mua sắm đồ thổ cẩm và tham gia biểu diễn văn nghệ, múa xòe, nhảy sạp cùng các "nghệ nhân bản làng" ở ngay sân chợ Bắc Hà. Ảnh: Quốc Hồng
Quốc Hồng
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/trai-nghiem-nghieng-say-mua-dong-tren-cao-nguyen-trang-bac-ha-179241112070857835.htm