Trải nghiệm tinh hoa văn hóa dân tộc Mường, Dao dưới chân núi Tản

Trải nghiệm tinh hoa văn hóa dân tộc Mường, Dao dưới chân núi Tản
2 ngày trướcBài gốc
Du khách đến với núi Tản, Ba Vì sẽ có dịp trải nghiệm những nét đặc sắc nhất của du lịch dược liệu, sinh thái, nghỉ dưỡng và văn hóa Ba Vì.
Khám phá đặc sắc không gian văn hóa Mường
Hành trình chỉ hơn 1h ô tô từ trung tâm Hà Nội, chúng tôi đến vùng đất Ba Vì để trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc Mường, Dao dưới chân núi Tản Viên, nơi văn hóa cồng chiêng đã trở thành nét đặc sắc riêng có của thủ đô Hà Nội.
Tiếp đón chúng tôi vào với không gian văn hóa Mường Ba Vì là hai hàng nghệ nhân cồng chiêng trong trang phục truyền thống với thanh âm đầy cảm xúc của những điệu chiêng Mường. Hai hàng nghệ nhân tay nâng cao những chiếc chiêng đồng, hòa nhịp theo từng âm thanh vang vọng. Tiếng chiêng ngân nga, trầm hùng mà uyển chuyển như tiếng vọng của núi rừng, dẫn du khách bước vào không gian văn hóa đặc trưng của người Mường.
Hai hàng nghệ nhân cồng chiêng đón khách trong trang phục truyền thống với thanh âm chiêng Mường đầy cảm xúc
“Với người Mường, chiêng không đơn thuần là một nhạc cụ mà còn là hồn cốt văn hóa, là câu chuyện tâm linh được thể hiện qua 12 âm sắc dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể có sức sống mãnh liệt nhờ được chính cộng đồng sản sinh ra nó gìn giữ. Người Mường thì phải biết đánh chiêng Mường, chúng tôi nghĩ như vậy. Hơn thế nữa, chiêng Mường còn có sức hấp dẫn đặc biệt, là sợi dây văn hóa vô hình kết nối những giá trị tốt đẹp của người Mường”, nghệ nhân văn hóa dân gian Bùi Thị Tứ, phó ban bảo tồn văn hóa Mường xã Vân Hòa, Ba Vì chia sẻ.
Người Mường ở Ba Vì vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Về văn hóa vật thể, có nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt. Về văn hóa phi vật thể, có ngôn ngữ, Mo Mường, các làn điệu hát ví, sáo côi, múa, các môn thể thao và trò chơi dân gian…và đặc biệt là chiêng Mường. Hầu như thôn nào cũng có đội chiêng, thường xuyên tập luyện và tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, du lịch và trong sinh hoạt cộng đồng.
Các làn điệu hát ví, sáo côi, múa, chiêng Mường luôn hấp dẫn du khách.
Huyện Ba Vì hiện đang triển khai Đề án bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường với những mục tiêu quan trọng: 100% thôn, bản có đội chiêng, được bồi dưỡng và tập huấn hằng năm; 80% người dân tộc Mường mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động cộng đồng; 90% hộ gia đình thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Mường, đặc biệt chú trọng truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: “Chúng tôi đầu tư vào các thiết chế văn hóa, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu như Hội thi nét đẹp bản Mường, hội thi thể thao dân tộc thiểu số, ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc thiểu số, hội diễn dân ca và cồng chiêng... Tất cả nhằm giúp đời sống văn hóa tinh thần của người Mường ở Thủ đô phong phú hơn, đồng thời góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị văn hiến, văn minh và hạnh phúc”.
Huyện Ba Vì hiện đang triển khai Đề án bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường với những mục tiêu quan trọng.
Dược liệu người dao, sản phẩm du lịch sức khỏe hấp dẫn
Đến với xứ Mường Ba Vì, du khách không chỉ được trải nghiệm đặc sắc văn hóa Mường mà còn có cơ hội thư giãn, sóc sức khỏe bản thân với những sản phẩm dược liệu đặc trung của người Dao. Hầu hết các hộ dân người Dao tại đây đều tham gia vào các hợp tác xã chuyên sản xuất và kinh doanh thuốc Nam.
Sau khi trải nghiệm tắm thuốc và ngâm chân thảo dược với bài thuốc gia truyền của người Dao, chị Bùi Nhàn, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Sau khi thư giãn với các bài thuốc cổ truyền của người Dao, cảm giác mệt mỏi, áp lực từ cuộc sống thường ngày tan đi rất nhiều, tinh thần cũng thư thái hơn, nhất là trong một không gian xanh mát, tỏng lành như ở vùng núi Ba Vì. Tôi nghĩ, những người dân Hà Nội nên dành những ngày nghỉ cuối tuần để thư giãn, trải nghiệm ở những nơi như thế này”.
Các bạn trẻ thích thú khi được tự sáng tạo nên những tác phẩm hội họa của riêng mình với trải nghiệm vẽ trứng đà điểu.
Hiện nay, ngoài các bài thuốc thô, hợp tác xã còn phát triển sản phẩm dạng cao thảo dược như cao mai mộc can, bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh gan, giúp giảm men gan, hỗ trợ điều trị viêm gan B, C. Mỗi ngày, chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ pha với nước ấm là có thể phát huy tác dụng.
Tại nơi cư trú, đoàn khách chúng tôi được trải nghiệm dịch vụ lưu trú tiêu chuẩn cùng hoạt động giải trí, ẩm thực thịt đà điểu từ những trang trại nuôi đà điểu của người dân ở xung quanh.
Họa sĩ Nguyễn Minh Hoàng, người hướng dẫn du khách vẽ tranh trên vỏ trứng đà điểu tại Ba Vì chia sẻ: “So với tô tượng, vẽ trên trứng đòi hỏi sự sáng tạo cao hơn. Đây là một trải nghiệm nghệ thuật thú vị, giúp du khách phát huy trí tưởng tượng và tạo ra tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, đồng thời có được những khoản thời gian thư giãn quý giá trong hành trình khám phá Ba Vì”.
Ba Vì hiện có hơn 200 hộ dân nuôi đà điểu tập trung chủ yếu tại các xã Tản Lĩnh, Ba Trại, Vân Hòa… Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề nuôi đà điểu tại đây phát triển mạnh mẽ, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần tạo ra nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, phục vụ du khách gần xa.
Thư Vũ/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/du-lich/trai-nghiem-tinh-hoa-van-hoa-dan-toc-muong-dao-duoi-chan-nui-tan-post1188314.vov