Trải nghiệm với du lịch văn hóa và canh nông

Trải nghiệm với du lịch văn hóa và canh nông
8 giờ trướcBài gốc
Câu chuyện văn hóa trong sản phẩm đã níu chân du khách khi đến tham quan HTX nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú
Là người con của dân tộc bản địa M’nông lâu đời trên vùng đất cao nguyên, chị Thị Hà Ri Na, ở bon Bù Za Záh, xã Kiến Đức đã lớn lên với nghề làm rượu cần truyền thống.
Chị còn nhớ rõ, mình được mẹ hướng dẫn cách làm rượu cần từ vị men truyền thống, lấy từ cây rừng đã được truyền từ đời này sang đời khác.
Theo năm tháng, chị dần quen rồi thuần thục các bước, các yêu cầu bắt buộc khi chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ, lên men, ủ. Đến lúc trưởng thành, lập gia đình, chị luôn có ước mơ có thể đưa nghề truyền thống của mình thành một kế sinh nhai mới cho gia đình, dân làng, nhất là phụ nữ.
“Hòa quyện giữa thiên nhiên với con người” là câu mà chị Thị Hà Ri Na chọn gắn nhãn hiệu sản phẩm rượu cần của mình
Sự ấp ủ và ước mơ, truyền thống văn hóa đã được chị Thị Hà Ri Na hiện thực hóa. Theo chị, điểm đặc biệt của rượu cần bon Bù Za Záh là men được làm từ lá và vỏ của một loại cây từ cánh rừng đầu nguồn. Hồn cốt của rượu cần Bù Za Záh chính là sự hòa quyện giữa thiên nhiên với con người.
Cũng nhờ đó mà chị và các bà, các chị em trong bon đã tạo dựng được giá trị mới cho sản phẩm rượu cần truyền thống của mình. Cuối năm 2024, sản phẩm rượu cần của chị được công nhận OCOP 3 sao. Đây là niềm tự hào của chị và cộng đồng bon Bù Za Záh. Chị chú ý nhiều hơn đến quy định an toàn vệ sinh, chất lượng tốt, sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Điều đáng mừng là việc sản xuất rượu cần của chị được địa phương xây dựng thành nơi tham quan, trải nghiệm, mua sắm gắn với các tuyến du lịch. Thời gian qua, nhiều du khách trong và ngoài nước đã tìm đến tham quan, mua rượu cần. Ngoài việc tiêu thụ được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập, sản phẩm rượu cần ngày càng được quảng bá, vươn xa. Đáng mừng là địa phương thường xuyên hỗ trợ giới thiệu, quảng bá nhằm duy trì được nghề truyền thống một cách bền vững.
Bên cạnh văn hóa truyền thống, gần đây, loại hình du lịch canh nông cũng có nhiều điểm sáng. Đơn cử như trang trại “cam quýt Núi Lửa” của Hợp tác xã nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú. Ít ai có thể ngờ rằng vùng đất đá sỏi lại có thể trồng được những loại cây ăn quả cho chất lượng tốt. Việc này đã tạo nên nét đặc trưng không thể lẫn với bất cứ vùng đất nào.
Gần 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, trụ sở tại xã Quảng Phú đã đầu tư sản xuất các sản phẩm cam, quýt đạt chứng nhận hữu cơ mang nhãn hiệu “cam, quýt Núi Lửa”. Trang trại của hợp tác xã đã trở thành một điểm tham quan, trải nghiệm đầy thú vị cho du khách trong và ngoài tỉnh.
Khi đến nơi đây, du khách đều ngạc nhiên vì sự “nở hoa” kỳ diệu của tự nhiên. Cả một vùng mênh mông nhìn chỉ có đá và đá nhưng nhiều cây ăn quả có múi phát triển mạnh mẽ, cho quả sum suê, ngọt ngào.
MỸ HẰNG
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/trai-nghiem-voi-du-lich-van-hoa-va-canh-nong-382791.html