Trạm biến áp không người trực: Bước tiến mới trong công nghệ số

Trạm biến áp không người trực: Bước tiến mới trong công nghệ số
9 giờ trướcBài gốc
Trạm biến áp Xuân Thọ, từ 10 công nhân vận hành nay chỉ cần 1 người
1 THAY CHO 10
Kỹ sư Phạm Trung Kiên - Giám đốc Xí nghiệp Lưới điện cao thế Lâm Đồng, đơn vị trực tiếp quản lý vận hành các trạm biến áp, các đường dây 110 kV nhắc lại thời gian trước đây: “Hồi trước, các trạm biến áp 110 kV hoạt động cần nhiều công nhân lắm. Trạm đảm bảo lúc nào cũng phải có người trực để vận hành, 3 ca 4 kíp, mỗi trạm phải có từ 8 - 10 công nhân thường xuyên làm việc. Còn bây giờ, mỗi trạm chỉ cần 1 công nhân, chủ yếu là làm công tác quản lý, bảo vệ tài sản, phòng ngừa việc xảy ra các tai nạn bất ngờ như cây gãy đổ… Thật sự là thay đổi rất nhiều, giảm rất nhiều nhân lực cho đơn vị”.
Kỹ sư Phạm Trung Kiên chia sẻ, Lâm Đồng có đặc thù địa hình rất dài, việc phát triển lưới điện vất vả hơn tỉnh đồng bằng. Việc xây dựng các trạm biến áp là cần thiết để phát triển rộng lưới điện ra những địa bàn mới. “Hồi trước, ngành điện Lâm Đồng chỉ có 5 trạm biến áp, giờ được xây dựng 12 trạm trên khắp toàn tỉnh. Và thời gian tới, với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, các trạm biến áp sẽ tiếp tục được xây mới để phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. Vì vậy, việc tự động hóa ngành điện là vô cùng cần thiết để nâng cao năng suất lao động, tăng an toàn trong cung ứng điện", kỹ sư Phạm Trung Kiên đánh giá.
Hiện tại, Xí nghiệp Lưới điện cao thế Lâm Đồng với số lượng công nhân không nhiều đang quản lý hệ thống đường dây cao thế xấp xỉ 300 km và 12 trạm biến áp, đường dây 110 kV đi trên các khu vực đồi núi. Ông Phạm Trung Kiên khẳng định: "Việc đường dây cao thế đi qua các khu vực đồi núi rất dễ gây ra các sự cố điện, cần sự giám sát, bảo vệ hàng ngày của ngành điện, nhất là trong mùa mưa bão. Rất may mắn là trạm biến áp đã hoàn toàn chuyển sang không người trực, giúp xí nghiệp giảm nhiều nhân lực. Nếu không, chúng tôi còn chịu sức ép lớn hơn nữa cho việc đảm bảo cung cấp điện năng cho khách hàng toàn tỉnh. Đây có thể nói là bước tiến rất mạnh mẽ trong tự động hóa hoạt động cung cấp điện năng.
ĐIỀU KHIỂN TỪ XA HÀNG TRĂM KM
“Từ khoảng cách hàng trăm km, Trung tâm Điều khiển từ xa của Công ty Điện lực Lâm Đồng có thể điều khiển, vận hành các trạm biến áp một cách hết sức chính xác, nhịp nhàng. 12 trạm của chúng tôi đã áp dụng công nghệ Scada, giúp việc tự động hóa công tác vận hành hiệu quả. Đây là sự cố gắng nhiều năm qua của ngành điện và đã cho kết quả thật sự đáng mừng”, ông Ngô Đặng Lâm Viên - Trưởng Phòng Điều độ, Công ty Điện lực Lâm Đồng chia sẻ. Theo ông Ngô Đặng Lâm Viên, việc thay đổi công nghệ từ trạm biến áp có người trực sang trạm không người trực vận hành đã bắt đầu từ năm 2016, với sự nỗ lực của toàn ngành điện. Việc thay đổi công nghệ, áp dụng máy móc, ứng dụng công nghệ Scada vào các trạm biến áp đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Đây là sự cố gắng thay đổi, áp dụng công nghệ mới, thay đổi hầu hết công nghệ cũ cũng như nâng cấp nguồn nhân lực ngành điện.
“Chương trình Scada là chương trình giám sát điều khiển thu thập dữ liệu từ xa, chúng tôi xây dựng một trung tâm điều khiển xa ngay tại trụ sở công ty. Từ đây, chúng tôi có thể giám sát được tất cả các trạm biếp áp trên toàn tỉnh. Các thông số vận hành thực tế của trạm được hiển thị ngay trên màn hình, các kỹ sư của trung tâm theo dõi và giám sát rất chặt chẽ. Anh em giám sát được thông số vận hành, điều khiển từ xa như điều khiển các thiết bị cắt điện, đóng điện. Việc điều khiển xa làm giảm nguy cơ thao tác sai, gây sự cố và giảm nguy cơ mất an toàn cho người lao động. Chúng tôi còn có thể giám sát trạm bằng hệ thống camera hiện đại. Đặc biệt, các dữ liệu được lưu điện tử cho nên có thể truy xuất rất nhanh chóng, giảm thời gian lục tìm dữ liệu khi cần có các quyết định”, ông Lâm Viên giới thiệu về Trung tâm Điều khiển xa của Công ty Điện lực Lâm Đồng.
Để áp dụng Chương trình Scada, ngoài thay đổi cơ sở vật chất, các kỹ sư của Công ty Điện lực Lâm Đồng đã phải học rất nhiều, nâng cấp trình độ, làm quen với chương trình, nhanh chóng nắm bắt được công nghệ mới, đáp ứng rất tốt yêu cầu của công việc. Việc áp dụng tự động hóa không chỉ là chuyện thay đổi cơ sở vật chất, nâng cấp thiết bị mà còn là chuyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một phần không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng hoạt động.
“Các trạm biến áp không người trực vận hành đã giúp nâng cao an toàn cho người lao động, an toàn thiết bị điện cũng như tăng độ tin cậy cung cấp điện. Đây có thể nói là một thành tựu của ngành điện chúng tôi, đáp ứng kịp yêu cầu thay đổi của xã hội. Đặc biệt, Chương trình Scada còn giúp các cán bộ kĩ thuật qua theo dõi có thể nhận thấy những nguy cơ trong tương lai. Khi nắm bắt các thông số vận hành trực tuyến, các cán bộ kỹ thuật có thể nhận thấy những con số nguy cơ để dự đoán được sự cố có thể xảy ra, có hướng giải quyết nhanh và ngay lập tức. Trên 30 năm làm công tác điều độ, tôi nhận thấy Chương trình Scada cho các trạm biến áp không người trực thực sự là sự thay đổi rất lớn, mang lại hiệu quả trực tiếp của ngành điện Lâm Đồng", ông Ngô Đặng Lâm Viên chia sẻ.
DIỆP QUỲNH
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/tram-bien-ap-khong-nguoi-truc-buoc-tien-moi-trong-cong-nghe-so-6e17c8c/