Trạm cân tự động, khắc tinh của xe quá tải

Trạm cân tự động, khắc tinh của xe quá tải
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 1-11, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại trạm cân số 6 và 7 đặt tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1, quận Bình Tân, TP HCM. Ghi nhận cho thấy từ 8 giờ đến 17 giờ, lượng phương tiên luôn đông, dòng ô tô khách, xe tải nặng, container… liên tục "chảy" và không có hiện tượng dồn ứ.
Hết hẳn tính cả nể
Do trạm thu phí không dừng, từng phương tiện lần lượt đi qua. Ở cả 2 chiều từ huyện Bình Chánh hướng về quận 12 và ngược lại, cân tự động được đặt dưới nền đường. Trạm cân nhận dữ liệu 24/24 và truyền về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị để trích xuất phương tiện có dấu hiệu vi phạm quá tải và chuyển về Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) định kỳ hằng tháng. Trên cơ sở đó Thanh tra sở xác minh, gửi thông tin mời chủ phương tiện lên lập biên bản xử lý.
Dừng xe lấy hàng tại kho gần đó, anh Tường, một tài xế, nói đi qua trạm cân An Sương - An Lạc các xe đều phải chở đúng tải nếu không muốn lãnh hậu quả.
Chỉ tay vào phương tiện chở cuộn thép lớn, anh Tường cho biết trước đây xe như vậy thường 2 cuộn mới "đủ đô", nhưng nay "đô" mà đủ là quá tải ngay. "Không chỉ cánh tài xế, chủ doanh nghiệp vận tải ngán tiền phạt nên không dám đôn hàng như trước" - tài xế Tường nhận xét.
Là chủ doanh nghiệp vận tải cung cấp dịch vụ chở hàng hóa đi các tỉnh, anh Trần Văn Sáu (quận 12), kể từng có lúc vì "chiều" khách nên anh và tài xế bấm bụng đôn thêm hàng lên xe. Từ khi có trạm cân tự động, anh kiên quyết từ bỏ thói cả nể vì mức phạt rất cao. "Chỉ quá tải 20% thì tài xế bị phạt 900.000 đồng, chủ doanh nghiệp từ 4 đến 8 triệu đồng. Số tiền phạt tăng khi tỉ lệ quá tải tăng. Nhiều khi du di 1 cuốc xe nhưng ăn phạt xong là lỗ vốn" - anh Sáu phân tích.
Tại trạm cân số 3 trên đường Nguyễn Văn Linh, hướng từ huyện Bình Chánh về quận 7, nơi kiểm tra tải trọng các phương tiện từ các tỉnh miền Tây chở gạo, hàng nông sản… lượng phương tiện tương tự như ở An Sương - An Lạc. Một Thanh tra giao thông Sở GTVT cho biết từ lâu trạm cân không còn lực lượng Thanh tra giao thông và CSGT túc trực dừng phương tiện kiểm tra bởi sự hỗ trợ hiệu quả của cân tự động. Tình trạng ùn ứ cũng vì thế mà giảm rất nhiều.
Xe tải đi qua trạm cân số 6 tại trạm thu phí An Sương - An Lạc
Nhân rộng mô hình
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, thông tin tính đến hết tháng 10-2024, qua 1 năm thí điểm, cân tự động phát huy tác dụng khi nâng cao ý thức của chủ xe, tài xế và đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Công tác không cần sự hiện diện trực tiếp của con người này đồng thời tạo tính minh bạch, khách quan, công bằng trong xử lý vi phạm.
Một năm qua Thanh tra Sở GTVT tiếp nhận trên 4.170 phiếu cân, trong đó 3.171 phiếu cân xử lý vi phạm, đã ban hành 2.003 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 47,8 tỉ đồng. Ngoài ra áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe có thời hạn 408 trường hợp, tước phù hiệu có thời hạn 905 trường hợp.
So với thời điểm chưa triển khai thí điểm cân tự động, số vi phạm được phát hiện qua Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị giảm 56.955 trường hợp, tương ứng gần 93%.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, quá trình triển khai gặp một số khó khăn như tài xế cố tình làm sai lệch kết quả cân bằng cách lưu thông chèn các dải phân cách, không đi đúng phần đường có thiết bị cảm biến hoặc chạy vào làn đường hỗn hợp, đường nhánh. Ngoài ra, công tác xác minh địa chỉ chủ phương tiện ở các tỉnh, thành phố khác kéo dài làm ảnh hưởng việc xử lý vi phạm hành chính và công tác ngăn chặn đăng kiểm. Có một số trường hợp dữ liệu trên hệ thống đăng kiểm chưa cập nhật kịp thời dữ liệu của phương tiện sau khi hoán cải nên hệ thống cân xác định tỉ lệ vi phạm quá tải thiếu chính xác….
Để cân tự động có thể phát huy hiệu quả tốt hơn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết sở vừa gửi văn bản tới Bộ GTVT, UBND TP HCM với nhiều kiến nghị khắc phục những hạn chế.
Trong đó, kiến nghị Bộ GTVT xem xét, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình kiểm soát tải trọng xe nhằm hoàn thiện khung pháp lý mở rộng pháp vi áp dụng cân tự động. Song song đó, kiến nghị xem xét liên kết dữ liệu đăng kiểm với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử chuyển đổi số quốc gia nhằm bảo đảm thư gửi thông báo vi phạm về đúng địa chỉ.
Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP HCM cho phép kéo dài thời gian thí điểm đến hết ngày 31-12-2024. Sau đó, từ 1-1-2025 khi Luật Trật tự an toàn giao thông có hiệu lực, sở được giao phối hợp Công an thành phố thống nhất phương án phối hợp xử lý vi phạm tải trọng trên địa bàn thành phố. "Khi kết thúc quá trình thí điểm, Sở GTVT kiến nghị thành phố xem xét nhân rộng thêm các trạm cân tại một số cửa ngõ, các tuyến đường ra vào cảng của TP" - ông Hưng cho hay.
Cân tự động đặt trên đường Nguyễn Văn Linh
Không để lọt vi phạm
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, đánh giá thời gian qua khi áp dụng việc "phạt nguội" qua cân tự động thì tài xế, chủ xe, doanh nghiệp vận tải nâng cao ý thức chấp hành. Nhờ đó đường sá bảo đảm, hạ tầng giao thông ít bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, còn nhiều phương tiện chở hàng quá tải cố tình né trạm cân như đi qua làn đường hỗn hợp, đường nhánh… tạo tâm lý kéo theo. "Do đó, để trạm cân phát huy hiệu quả tốt hơn, tôi đề nghị TP HCM sớm mở rộng các trạm cân trên nhiều tuyến quốc lộ, đường ra vào cảng, cửa ngõ… cũng như khắc phục tình trạng né trạm tại các vị trí đã đặt cân tự động" - ông Quản nêu ý kiến.
Nhiều lợi ích dễ thấy nếu cân tự động được đặt trên nhiều tuyến đường. Ảnh: TẤN THẠNH
Bài và ảnh: THU HỒNG
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tram-can-tu-dong-khac-tinh-cua-xe-qua-tai-196241101210915687.htm