Trăn trở bảo tồn nhà truyền thống mái lợp bằng gỗ sa mu của đồng bào Mông

Trăn trở bảo tồn nhà truyền thống mái lợp bằng gỗ sa mu của đồng bào Mông
8 giờ trướcBài gốc
Mái nhà lợp gỗ sa mu là điểm nhấn du lịch cộng đồng
Vào đầu tháng 2 mỗi năm, những vườn mận ở xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đồng loạt nở rộ tạo khung cảnh đẹp như tranh vẽ, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu ẩn hiện dưới hoa mận là hình ảnh được du khách vô cùng thích thú.
Được ví như "tiểu Sapa" của Nghệ An, cổng trời Mường Lống nằm gọn trong lòng thung lũng của một ngọn núi cao đến 1.500 mét, nằm kế dãy Trường Sơn. Một trong những hình ảnh khiến du khách thích thú nhất chính là hoa mận nở phía trên mái nhà lợp bằng gỗ sa mu dầu của đồng bào người Mông.
Người Mông xứ Nghệ trước đây có phong tục dựng nhà, lợp mái bằng gỗ sa mu. Cũng bởi đây là loại gỗ dầu, thơm, càng phơi mưa nắng thì càng bền và càng thêm cổ kính. Đặc biệt, nhà lợp bằng gỗ sa mu kín gió, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè và không bị ẩm mốc.
Vậy nên ở đâu có người Mông, ở đó có những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu. Những ngôi nhà nền đất, cột gỗ đã gắn liền với tập quán sống trên các sườn núi cao và mang nét đặc trưng, tiêu biểu cho nền văn hóa lâu đời của người Mông.
Phát triển du lịch cộng đồng ở Kỳ Sơn được gắn với mái lợp nhà bằng gỗ sa mu.
Tại xã vùng cao Tây Sơn, địa phương các trung tâm huyện Kỳ Sơn hơn 12km, là nơi 100% là đồng bào Mông sinh sống, vì vậy còn gìn giữ được nhiều nếp nhà cổ truyền thống của đồng bào Mông.
Khi đặt chân đến các bản làng người Mông tại xã Tây Sơn, điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh những ngôi nhà lợp bằng gỗ sa mu nằm san sát, bên các sườn núi cao.
Theo thời gian, những mái nhà sa mu đã lên màu xanh mốc, cổ kính, trầm mặc giữa đại ngàn, tạo nên vẻ đẹp bình dị, chân chất như chính tâm hồn của người đồng bào vùng cao.
Trước thế mạnh này, chính quyền địa phương đã xác định, gìn giữ mái nhà sa mu là một hướng đi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, một điểm đến khá thú vị cho những du khách ưa thích tìm hiểu văn hóa đồng bào vùng cao.
Mái nhà sa mu đã lên màu xanh mốc, cổ kính, trầm mặc giữa đại ngàn, tạo nên vẻ đẹp bình dị.
Tuy nhiên, theo ông Vừ Bá Rê, Phó chủ tịch UBND xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, thời gian qua, những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi mái lợp bằng gỗ sa mu đang có nguy cơ bị mai một do nhiều yếu tố tác động.
"Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chuyên môn có phương án hỗ trợ người dân bảo tồn nếp nhà truyền thống của đồng bào trên địa bàn xã. Để du khách đến tham quan biết văn hóa nhà ở của đồng bào Mông", đại diện UBND xã cho biết.
Bảo tồn nét văn hóa riêng biệt đồng bào Mông
Bà Cụt Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kỳ Sơn cho biết, trên địa bàn nhiều ngôi nhà đồng bào dân tộc Mông mái lợp bằng gỗ sa mu có niên đại hàng trăm năm tuổi.
Vì vậy, cùng với tiếng nói và trang phục thì nhà cổ truyền thống bằng gỗ sa mu là một nét văn hóa truyền thống, thể hiện nét riêng biệt của đồng bào dân tộc Mông ở Kỳ Sơn.
Do nhiều nguyên nhân, những mái nhà lợp gỗ sa mu hiện đang vắn dần.
Cùng với thời gian, những mái nhà lợp gỗ sa mu càng thưa vắng hơn. Đó là khi rừng đã được siết chặt, và người dân cũng đã hiểu rõ hơn giá trị của rừng để bảo vệ bằng hương ước, bằng ý thức không chặt phá sa mu như trước.
Tuy nhiên, không thể để nét văn hóa, bản sắc của dân tộc Mông dễ dàng biến mất cùng thời gian, đã có rất nhiều cách phục dựng, bảo tồn, níu giữ những mái nhà lợp gỗ sa mu truyền thống.
"Thực hiện đề án bảo tồn phát huy và giữ gìn các bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, bước đầu chính quyền địa phương đang vận động, tuyên truyền bà con giữ gìn bản sắc văn hóa. Đặc biệt là những ngôi nhà bằng gỗ sa mu!", bà Hương nói.
Từ 3 năm trước, huyện đã ban hành đề án "Xây dựng và phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" với mục tiêu khai thác vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa để thu hút du khách, góp phần nâng cao thu nhập cho địa phương.
Ngoài việc xây dựng các tuyến du lịch, huyện cũng có văn bản gửi các ban ngành, đơn vị liên quan đề nghị phối hợp bảo tồn những ngôi nhà này. Đây là bản sắc văn hóa được các thế hệ của các gia đình dân tộc Mông gìn giữ thuần khiết.
Việc bảo tồn các ngôi nhà cổ hàng trăm năm là trăn trở của người dân và chính quyền địa phương.
Trong lúc chờ các sở ban ngành sớm có phản hồi tích cực để hỗ trợ, thì huyện Kỳ Sơn cũng đã triển khai các phương án để bảo tồn các ngôi nhà cổ sa mu. Mới đây, vào ngày 7/2, UBND huyện Kỳ Sơn đã tổ chức lễ gắn biển nhà cổ cho đồng bào Mông.
"Thời gian qua, địa phương rất quan tâm khuyến khích người dân gìn giữ những nếp nhà cổ, vừa phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, cũng vừa là gìn giữ nét bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc", bà Hương cho biết thêm.
Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/tran-tro-bao-ton-nha-truyen-thong-mai-lop-bang-go-sa-mu-cua-dong-bao-mong-204250210181528567.htm