Tránh các 'bẫy' lừa đảo tâm linh

Tránh các 'bẫy' lừa đảo tâm linh
8 giờ trướcBài gốc
Nghi phạm điều hành đường dây lừa đảo tâm linh tại Thái Nguyên và một số vật phẩm phong thủy liên quan đến vụ án. Ảnh: CACC
Bẫy lừa đảo tâm linh
Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có xu hướng diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, khiến người dân bức xúc, lo lắng, trong đó có chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng chiêu trục vong, giải hạn.
Công an tỉnh Thái Nguyên mới đây triệt phá đường dây chuyên lừa tiền bằng cách lợi dụng lòng tin tâm linh của người dân. 25 bị can đã bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra.
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, nhóm đối tượng xây dựng kịch bản lời thoại chi tiết, tình huống phát sinh, phân công nhau gọi cho khách hàng. Khi gọi điện, nhóm này tự nhận là "cô đồng" tại các chùa, đền; dọa dẫm người dân về việc họ bị "vong theo" hoặc đang có vận hạn…
Các đối tượng sau đó đưa ra thông tin về những vật phẩm phong thủy đã được "làm lễ", có khả năng hỗ trợ bình an, tài lộc; yêu cầu người dân trả "tiền công đức, ủng hộ nhà chùa" với số tiền từ 200.000 - 500.000 đồng mỗi vật phẩm.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 4 - 12.2024, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của 28.000 người trên cả nước, với tổng số tiền hơn 8 tỉ đồng
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 5, TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phan Thị Thu Trang (sinh năm 1990, trú tại quận 5) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo CQCA, Trang sử dụng mạng xã hội Facebook, Tiktok với các nick name như: Phan Thu Trang, Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang, rồi đăng tải bài viết nhằm thu hút người dân có nhu cầu xem bói, tử vi, tướng số và bán các vật phẩm phong thủy.
Khi có người liên hệ, Trang bịa ra các câu chuyện tâm linh nhằm thao túng tâm lý khách hàng. Những người nào tâm lý yếu, tin vào chuyện tâm linh, dần dần sẽ sập bẫy lừa của “cô đồng”. Sau đó, người này yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong. Sau khi nhận được tiền của các nạn nhân, Phan Thị Thu Trang trả nợ và tiêu xài cá nhân. Tính đến hiện tại, tổng số tiền Trang chiếm đoạt là hơn 28 tỷ đồng.
Cách tránh "sập bẫy"
Có thể thấy, mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tuyên truyền mê tín dị đoan để lừa đảo, nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy. Về vấn đề này, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học cho rằng, lừa đảo tâm linh đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay.
Với thủ đoạn lợi dụng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, thượng tá Đào Trung Hiếu đánh giá hậu quả không chỉ gây tổn thất về mặt tài chính, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần của những người nhẹ dạ cả tin. Cũng theo thượng tá Đào Trung Hiếu, con người có 2 trạng thái tâm lý để trở thành điểm yếu bị các đối tượng lừa đảo tấn công.
Đầu tiên là tâm lý sợ hãi, lo lắng về tương lai, những người đang gặp khó khăn về tài chính, công việc, tình duyên sẽ dễ tin vào "cứu cánh tâm linh".
Sau đó là sự thiếu hụt, hạn chế kiến thức về tín ngưỡng. "Nhiều người không hiểu rõ về đạo lý Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, dẫn đến việc tin theo những kẻ trục lợi. Bên cạnh đó, cần phải kể đến tác động của mạng xã hội khi các nhóm "hội tâm linh", "hội gọi vong" được lập tràn lan, là tác nhân lan truyền thông tin gây hoang mang, thu hút người tham gia", thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học. Ảnh: NVCC
Để tránh rơi vào các “bẫy” lừa đảo tâm linh, theo thượng tá Đào Trung Hiếu, mỗi người cần tự tìm hiểu rõ về tín ngưỡng, tôn giáo chính thống, cần biết rằng Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian đều hướng con người đến cái thiện, không có chuyện phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để "mua bình an".
Bên cạnh đó, người dân luôn phải cảnh giác với những lời phán đoán tiêu cực. Nếu một người tự xưng là "thầy", "cô" mà ngay lập tức nói bạn có hạn nặng, phải cúng gấp, đây là dấu hiệu lừa đảo."Người thật sự có kiến thức tâm linh sẽ không gieo rắc sợ hãi mà khuyên con người sống tốt, hành thiện để thay đổi vận mệnh", vị này nói.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh, người dân không được chuyển tiền, làm lễ theo yêu cầu mơ hồ. Các hình thức "vay lộc", "cúng sao giải hạn giá cao", "giải nghiệp tiền kiếp" đều không có căn cứ và nếu bị yêu cầu đóng tiền lớn để cúng bái, phải từ chối ngay.
Khi nghi vấn hay phát hiện những hành vi lừa đảo, người dân cần báo cáo với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
"Tâm linh là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, nhưng cần tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của những kẻ trục lợi. Đừng để niềm tin bị biến thành công cụ kiếm tiền cho những kẻ lừa đảo. Sống thiện lành, làm điều tốt, hành động đúng đắn sẽ mang lại bình an thực sự, không phải nhờ vào các "mánh khóe tâm linh" đầy mê tín dị đoan", thượng tá Đào Trung Hiếu chia sẻ.
Minh Dương
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tranh-cac-bay-lua-dao-tam-linh-408807.html