(Nguồn: Getty Images/AFP)
Ngày 21/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đối mặt với phản ứng mạnh mẽ ở trong nước khi có 18 bang và 2 thành phố lớn ở nước này đồng loạt nộp đơn kiện lên Tòa án liên bang tại Massachusetts nhằm ngăn chặn sắc lệnh hành pháp của ông về việc chấm dứt chính sách "quyền công dân theo nơi sinh" vốn đã tồn tại hơn 125 năm qua.
Sắc lệnh hành pháp được ông Trump ký ngay sau khi nhậm chức, trong đó quy định từ ngày 19/2 tới, những trẻ em sinh ra trên đất Mỹ nhưng mẹ không có giấy tờ hợp pháp hoặc không có thị thực tạm thời, trong khi cha không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân tại Mỹ thì sẽ không được công nhận là công dân Mỹ.
Nhà Trắng lập luận rằng việc chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh sẽ giúp giảm thiểu động lực nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Tuy nhiên, theo các bang khởi kiện, sắc lệnh này rõ ràng đã vi phạm Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, vốn đảm bảo quyền công dân cho tất cả những người sinh ra trên đất Mỹ, bất kể tình trạng pháp lý của cha mẹ. Một phán quyết lịch sử năm 1898 đã khẳng định điều này và được coi là nguyên tắc "bất di, bất dịch."
Ông Rob Bonta - Tổng chưởng lý bang California - nhấn mạnh: “Sắc lệnh không chỉ vi phạm Hiến pháp mà còn phản bội các giá trị cốt lõi của nước Mỹ. Chúng tôi sẽ không để lịch sử bị xóa bỏ và các quyền cơ bản bị xâm phạm.”
Theo ước tính, sắc lệnh trên, nếu được thực thi, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng 153.000 trẻ em tại Mỹ mỗi năm, trong đó riêng bang California có khoảng 24.500 trẻ em. Các em này sẽ rơi vào tình trạng không quốc tịch, mất quyền tiếp cận các quyền lợi cơ bản như số an sinh xã hội, hộ chiếu và các phúc lợi liên bang. Tệ hơn nữa, các em có nguy cơ bị trục xuất dù sinh ra trên đất Mỹ.
Ngoài ra, sắc lệnh cũng có thể sẽ gây thiệt hại tài chính lớn cho các bang. Đơn cử bang New Jersey ước tính sẽ mất hàng triệu USD tài trợ liên bang mỗi năm, trong khi vẫn phải cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục cho trẻ em bị ảnh hưởng./.
(TTXVN/Vietnam+)