Tranh cãi xung quanh tuyên bố của ông Trump đóng cửa Bộ Giáo dục

Tranh cãi xung quanh tuyên bố của ông Trump đóng cửa Bộ Giáo dục
một ngày trướcBài gốc
Trong thời gian tham gia tranh cử, ông Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ đóng cửa Bộ Giáo dục nếu có thêm một nhiệm kỳ tại Nhà Trắng. Ông liên tục chỉ trích cơ quan này là “biểu tượng cho sự can thiệp quá mức của liên bang vào cuộc sống thường ngày của các gia đình Mỹ”.
“Tôi luôn nói thế, tôi đang nóng lòng muốn quay lại làm việc này. Cuối cùng chúng ta sẽ xóa bỏ Bộ Giáo dục liên bang. Chúng ta sẽ “làm sạch” hệ thống giáo dục của chính phủ và ngăn chặn việc lạm dụng tiền thuế của người dân để nhồi nhét vào đầu thanh thiếu niên Mỹ những điều mà bạn không muốn chúng nghe thấy”, ông Trump phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử hồi tháng 9 ở Wisconsin.
Ông Donald Trump. Ảnh: Getty
Năm 1979, Tổng thống khi đó là Jimmy Carter, một đảng viên Dân chủ đến từ Georgia, đã ký thành luật biến Bộ Giáo dục thành một cơ quan cấp Nội các. Đây là lời hứa mà ông Carter từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử với một trong những công đoàn giáo viên lớn nhất đất nước, Hiệp hội Giáo dục Quốc gia. Người kế nhiệm Reagan Ronald sau đó đã có dự định đưa Bộ này “về đúng chỗ của mình”, tương tự như kế hoạch hiện nay của ông Trump nhưng đã không thành công do vấp phải sự phản đối từ Hạ viện lúc bấy giờ đang do đảng Dân chủ nắm đa số.
Dù Tổng thống đắc cử vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết trong việc đóng cửa Bộ Giáo dục nhưng dự định này của ông Trump cũng khiến nhiều nhà quan sát lo ngại, bởi Bộ Giáo dục có một số chức năng không thể thay thế.
Tài trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên
Một trong số những nhiệm vụ lớn nhất của Bộ Giáo dục là quản lý nguồn tài trợ liên bang do Quốc hội phân bổ cho các trường năm trong hệ thống K-12 (hệ thống giáo dục từ mầm non tới khối lớp 12) và quản lý các chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên Mỹ.
Hai trong số những chương trình tài trợ lớn nhất dành cho các trường K-12 là chương trình Title I nhằm hỗ trợ chi phí giáo dục cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp và chương trình IDEA cung cấp tiền cho các trường để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em khuyết tật. Các chương trình này được cho là sẽ hiện thực hóa mục tiêu ưu tiên của Bộ Giáo dục là “đảm bảo quyền tiếp cận cơ hội giáo dục bình đẳng cho mọi cá nhân”.
Tổng cộng các chương trình này cung cấp cho các trường K-12 khoảng 28 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn tài trợ liên bang thường chỉ chiếm khoảng 10% tổng nguồn tài trợ cho các trường học và phần còn lại đến từ tiền thuế của tiểu bang. Bộ Giáo dục cũng phân phối khoảng 30 tỷ USD mỗi năm cho sinh viên đại học có thu nhập thấp thông qua chương trình trợ cấp Pell và quản lý chương trình vay vốn sinh viên trị giá 1,6 nghìn tỷ USD.
Thực hiện chức năng giám sát và điều hành
Bộ Giáo dục cũng có vai trò giám sát và tham gia vào việc ban hành các quy định liên bang. Cụ thể, Văn phòng Dân quyền có nhiệm vụ điều tra các khiếu nại về phân biệt đối xử tại các trường cao đẳng và trường học trong hệ thống K-12, vốn đã gia tăng đáng kể sau cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel từ tháng 10 năm ngoái. Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng việc giao cho chính quyền bang toàn quyền xử lý những sự vụ như vậy sẽ khó có “tính công bằng”, do văn hóa địa phương, thành phần dân cư và thậm chí là tư tưởng chính trị của người đứng đầu bang có thể ảnh hưởng nhiều đến việc đưa ra phán quyết cuối cùng.
Một chức năng khác của Bộ Giáo cơ quan này là tạo ra các quy định liên bang, buộc phải được áp dụng thống nhất trên toàn nước Mỹ. Một số quy định của Bộ Giáo dục gần đây đã đề cập đến các vấn đề đang diễn ra trong các cuộc chiến văn hóa đã len lỏi vào đời sống xã hội ở từng bang trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Ngày 28/2/2023, một tấm panô kêu gọi xóa nợ học phí cho sinh viên đã xuất hiện trước cửa Tòa án Tối cao trong bối cảnh các thẩm phán dự kiến sẽ xem xét hai vụ án liên quan đến nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm khôi phục kế hoạch xóa hàng tỷ USD nợ cho sinh viên tại Washington, DC.
Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: Getty
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Bộ Giáo dục Mỹ đã tăng cường nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho các sinh viên chuyển giới, đồng thời tham gia nhiều hơn vào việc soạn thảo các quy định xóa nợ cho sinh viên. Tuy nhiên, hai nỗ lực này vẫn phải chịu nhiều ràng buộc từ phía luật pháp liên bang.
Hiện nay, các tiểu bang và hội đồng trường học địa phương đang nắm giữ một số quyền lực mà Bộ Giáo dục không thể thay thế và quyền lực này vẫn ảnh hưởng nhất định. Ví dụ, trong thời gian xảy ra đại dịch, Bộ Giáo dục không thể yêu cầu các trường học đóng cửa hoặc mở cửa để học trực tiếp. Trên thực tế, bất chấp lời những tuyên bố đe dọa từ Tổng thống Trump khi đó, nhánh hành pháp không thể đơn phương cắt giảm nguồn tài trợ liên bang cho các trường học không mở cửa trở lại vào mùa thu năm 2020.
Đóng cửa Bộ Giáo dục không đồng nghĩa với xóa bỏ nguồn vốn liên bang
Tiền liên bang mà các trường nhận được thông qua các chương trình như Title I và IDEA đi kèm với các điều kiện ràng buộc. Mức độ đáp ứng các điều kiện này sẽ quyết định số vốn mà các trường nhận được.
Ông Frederick Hess, thành viên cấp cao và chuyên gia nghiên cứu chính sách giáo dục tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết: "Nhiều người Mỹ lo ngại về nguồn vốn từ Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn đó lại là một câu hỏi lớn hơn”.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm: “Việc bãi bỏ Bộ Giáo dục này chỉ là một cách nói tắt mà thôi" và chỉ ra rằng điều này có thể giúp nguồn tài trợ liên bang được phân phối về từng địa phương, từ đó giúp tinh giản các thủ tục hành chính.
Các chương trình tài trợ liên bang cho các trường K-12 nhằm hỗ trợ giáo dục cho học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp và trẻ em khuyết tật đã có từ trước khi Bộ Giáo dục được thành lập. Một số chương trình tài trợ này có thể được điều hành bởi các cơ quan liên bang khác trong trường hợp Bộ Giáo dục bị xóa bỏ.
Việc đóng cửa Bộ Giáo dục không đồng nghĩa với việc nước Mỹ ngừng đầu tư cho giáo dục Bà Marguerite Roza, Giám đốc Phòng thí nghiệm Edunomics - một trung tâm nghiên cứu tập trung vào chính sách tài chính giáo dục tại Đại học Georgetown, cho biết: "Tôi không nghĩ rằng các trường học sẽ bị cắt vốn".
Theo thống kê của Viện Brookings, trong quá khứ, khi các Tổng thống đề xuất cắt giảm ngân sách của Bộ Giáo dục, Quốc hội đã phản đối và cấp nhiều tiền hơn số tiền mà Tổng thống đương nhiệm yêu cầu khoảng 71%. Ngay cả khi chính quyền đầu tiên của ông Trump đề xuất cắt giảm ngân sách của bộ này, Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm đa số cuối cùng vẫn tăng tài trợ.
Quốc hội khó có thể chấp thuận đóng cửa Bộ Giáo dục
Điều đặc biệt đáng chú ý là việc đóng cửa một cơ quan liên bang sẽ cần đến sự chấp thuận của Quốc hội. Những lời kêu gọi bãi bỏ Bộ Giáo dục hoặc sáp nhập bộ này với một cơ quan liên bang khác không phải là mới và đã có từ thời Tổng thống Reagan. Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, chính quyền của ông Trump đã đề xuất sáp nhập Bộ Giáo dục và Bộ Lao động thành một cơ quan liên bang. Mặc dù Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện vào thời điểm đó, đề xuất này cũng không được thông qua.
Đến thời điểm này, kết quả bầu cử cho thấy đảng Cộng hòa đã chiếm đa số tại Thượng viện nhưng cán cân quyền lực tại Hạ viện vẫn chưa được quyết định. Hai thành viên mới của đảng Cộng hòa tại Thượng viện là Thượng nghị sĩ Ohio Bernie và Thượng nghị sĩ Montana Tim Sheehy đã chấp nhận ý tưởng này.
Tuy nhiên, ngay cả khi đảng Cộng hòa giành được Hạ viện, vẫn chưa rõ chính quyền thứ hai của ông Trump có đủ sự ủng hộ tại Quốc hội để xóa bỏ sự tồn tại của Bộ Giáo dục hay không.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/tranh-cai-xung-quanh-tuyen-bo-cua-ong-trump-dong-cua-bo-giao-duc-post1135138.vov