Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9,Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật này nhằm bổ sung, hoàn thiện những quy định liên quan đến việc sắp xếp hệ thống các cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và khắc phục những bất cập, hạn chế trong tổ chức, hoạt động thanh tra thời gian vừa qua.
Cần chấm dứt hành vi lạm dụng thanh tra nhũng nhiễu doanh nghiệp
Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc), việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân là một cột mốc quan trọng, kế thừa những tư tưởng lớn của Đảng trong nhiều năm qua, đồng thời thể hiện bước chuyển về tư duy, với nhiều nội dung đột phá, định hình tầm nhìn phát triển đến năm 2045.
Trong phần nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 68 có đề cập đến việc chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc). (Ảnh: quochoi.vn)
Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lại quy định tiến hành thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật là không đúng với tinh thần Nghị quyết 68.
Đại biểu phân tích: Bằng chứng rõ ràng khác với dấu hiệu vi phạm (dấu hiệu thì có thể có hoặc không có vi phạm trên thực tế). Do vậy, đề nghị sửa đổi dự thảo luật theo tinh thần Nghị quyết 68, chỉ tiến hành thanh tra khi có bằng chứng rõ ràng về việc vi phạm, người ra quyết định thanh tra chịu trách nhiệm về quyết định của mình, để tránh tình trạng lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị rà soát toàn diện dự thảo luật để thể chế hóa các nghị quyết quan trọng của Đảng, Bộ Chính trị.
Đặc biệt, theo đại biểu Tạ Đình Thi, trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã yêu cầu phải chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm.
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. (Ảnh: Quochoi.vn)
“Nghị quyết cũng nêu rõ xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị cần cân nhắc về thời gian thanh tra. Đại biểu dẫn chứng 120 ngày là bao gồm cả ngày làm việc và ngày nghỉ nhưng bây giờ sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giảm 30% thủ tục hành chính thì thời gian thanh tra 120 ngày là quá dài. Vì thế, đề nghị cần xem lại thời gian thanh tra ngắn hơn, đáp ứng với chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Nêu thực tế có tình trạng các đoàn thanh tra thanh tra xong nhưng khi báo cáo với người có thẩm quyền để ban hành kết luận thì bị kéo dài khiến ban hành kết luận thanh tra không đúng thời gian quy định và trở thành vi phạm, song không ai bị xử lý; đại biểu kiến nghị cần quy định vấn đề này chặt chẽ hơn, tránh kéo dài thời gian ban hành kết luận thanh tra.
Không để tình trạng “trăm hoa đua nở”, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra
Theo dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), kết thúc hoạt động của Thanh tra bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện; không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các bộ, các sở và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Dự thảo luật quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong luật hiện hành.
Đánh giá cao đây là cuộc cách mạng rất lớn trong hoạt động thanh tra hòa chung vào cuộc cách mạng tinh gọn của hệ thống tổ chức bộ máy, song đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) bày tỏ băn khoăn khi “tối giản” hệ thống cơ quan thanh tra như vậy thì làm thế nào để bảo đảm vận hành cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra có thể bao quát, thực sự bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk).(Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu phân tích, đối với hoạt động thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành thì các quy trình, thủ tục thanh tra rất chặt chẽ, hết sức bài bản, để bảo đảm cho cuộc thanh tra diễn ra khách quan, chính xác. Tuy nhiên khi chuyển các hoạt động thanh tra sang hoạt động kiểm tra thì những quy định, thể chế liên quan đến kiểm tra chuyên ngành lại đang rất “thiếu vắng”.
Theo đó, đại biểu đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra và kiểm tra chuyên ngành, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, mỗi một cơ quan, mỗi bộ, ngành lại theo một quy trình thì sẽ không bảo đảm tính thống nhất.
Còn đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) đề nghị bổ sung trách nhiệm của đối tượng thanh tra trong việc phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán. Cụ thể, bổ sung quy định khi đối tượng thanh tra phát hiện có sự trùng lặp, chồng chéo về thời gian, nội dung tiến hành thanh tra, kiểm toán đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân mình thì có quyền phản ánh với cơ quan thanh tra, kiểm toán để xử lý theo quy định.
THU HẰNG