Tránh lãng phí nguồn lực đất đai hậu sáp nhập

Tránh lãng phí nguồn lực đất đai hậu sáp nhập
6 giờ trướcBài gốc
Cần nghiên cứu một mô hình phù hợp để quản lý việc sử dụng đất dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập. Ảnh minh họa
Thưa ông! Cả nước đang hân hoan chào đón 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, ông thấy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước đã được phát huy như thế nào?
Trước hết phải khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng nguồn lực đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Đất đai luôn gắn liền với kinh tế - xã hội, đời sống người dân và sự phát triển của các tổ chức. Trên tinh thần đó, chúng ta đã rất tích cực trong việc sửa đổi Luật Đất đai, cứ ách tắc ở đâu thì tìm cách gỡ đến cùng. Người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước thấy Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - 2 siêu đô thị - bây giờ phát triển vượt bậc so với trước ngày 30/4/1975. Ngay tại TP. Hồ Chí Minh, trước ngày 30/4/1975, Thành phố thiếu vắng công trình lớn; thế nhưng bây giờ, rất nhiều căn nhà, siêu thị, trung tâm thương mại lớn được xây dựng, ví dụ Tòa nhà Bitexco có cả sân đỗ trực thăng.
Đánh giá nguồn lực đất đai, tài sản công dôi dư hậu sắp xếp, sáp nhập - đó là điều mà Kiểm toán nhà nước cần quan tâm và phải làm mạnh hơn bởi Kiểm toán nhà nước là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bên cạnh 2 siêu đô thị trên, nước ta cũng có những đô thị nhỏ hơn nhưng phát triển và thay đổi đáng kể như Đà Nẵng. Tất cả điều này tạo ra sự thay đổi cảnh quan đô thị rất rõ, đồng thời tạo ra cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để công nghiệp hóa đất nước. Hiện nay, chúng ta định hướng xây dựng các đô thị thông minh, đô thị xanh... Quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam được đánh giá khá tích cực. Song, nếu so với mục tiêu đề ra - năm 2045 Việt Nam là nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao - thì chúng ta đang phải dồn hết sức. Cuộc cải cách thể chế, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy lần này cũng là để tạo dựng một không gian kinh tế mới phù hợp với các hình thái kinh tế hiện nay, từ đó sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa hơn nữa.
Bên cạnh cơ hội tiềm năng như ông vừa chia sẻ, cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy cũng đang đặt ra cho chúng ta một vấn đề: Quản lý và sử dụng đất đai dôi dư hậu sắp xếp, sáp nhập như thế nào để tránh lãng phí, thưa ông?
Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã cho thực hiện thí điểm sắp xếp lại việc sử dụng đất trong khu vực công ở TP. Hồ Chí Minh. Sau 5 năm thí điểm, Thủ tướng đã quyết định áp dụng trên toàn quốc nhằm tạo ra rất nhiều vị trí lợi thế về kinh tế để phát triển. Thế nhưng, thực tế, quá trình sắp xếp lại việc sử dụng đất trong khu vực công vẫn gặp nhiều vướng mắc và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Minh chứng là, trường đại học, bệnh viên, Bộ, ngành… có chỗ mới vẫn giữ chỗ cũ.
Lần này, chúng ta thu gọn đầu mối hành chính. Ước tính về tài sản dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập, không ít ý kiến cho rằng, chúng ta “dư sức” để nâng cấp hệ thống đường sắt, làm cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành… Nhưng, liệu chúng ta có thu được tài sản dôi dư để làm không? Hiện nay, với việc bỏ cấp huyện, giảm khoảng 2/3 số xã và một nửa số tỉnh, lượng tiền có thể thu được sẽ lớn mức nào. Do vậy, tôi đề xuất Chính phủ nghiên cứu một mô hình phù hợp để quản lý việc sử dụng đất dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính. Chỉ như vậy, chúng ta mới theo dõi, ghi nhận để không bị thất thoát đất đai. Chúng ta đang thiếu tiền để đầu tư sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Bắc - Nam… Xử lý bất động sản dôi dư của đợt cải cách này là chúng ta giải quyết được tất cả, thậm chí còn dư tiền để có thể tạo dựng một không gian kinh tế tốt hơn.
Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ đã cụ thể hóa mục tiêu, nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông có lưu ý gì thêm về vấn đề này, nhất là khi tới đây, chúng ta chỉ còn chính quyền địa phương 2 cấp?
Chắc chắn chúng ta phải sửa lại Quy hoạch sử dụng đất khi chỉ còn 2 cấp đơn vị hành chính. Quy hoạch khu vực thì vẫn ổn, thế nhưng quy hoạch cấp tỉnh phải làm lại, ngay cả những tỉnh giữ nguyên, không sáp nhập cũng phải thay đổi quy hoạch khi các tỉnh lân cận thay đổi, bởi không gian kinh tế bây giờ khác.
Đã đến lúc Việt Nam phải quy định rất cụ thể các quyền khác nhau của người được giữ đất. Giữ đất có thể là được giao, thuê hoặc mượn, miễn đó là người nắm giữ thửa đất ấy. Chúng ta cần chi tiết hóa quyền sở hữu và quyền sử dụng thì mới trợ giúp cho phát triển.
Cái đích của việc cải cách tổ chức bộ máy chính lần này là tạo dựng một không gian kinh tế mới hiệu quả hơn, đi nhanh hơn tới đích 2045 chúng ta mong muốn, chứ không phải chỉ có chia tách tỉnh. Thế giới gọi đó là tái định dạng địa kinh tế. Tái định dạng địa hành chính là bước đầu tiên để tạo dựng được địa kinh tế phục vụ cho phát triển.
Để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng, nguồn lực đất đai cần được quy hoạch như thế nào nhằm phục vụ tốt nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, thưa ông?
Nhiệm vụ của quy hoạch không chỉ là phục vụ cho tăng trưởng kinh tế mà còn phải đi đôi với phát triển bền vững. Quy hoạch phải phác thảo và dựng kịch bản phát triển để tạo được hiệu quả cao nhất về phát triển kinh tế. Khi xem xét địa kinh tế của một khu vực, ta xem xét những gì?
Thứ nhất, 1m2 đất ở khu vực đó có thể làm ra được bao nhiêu tiền. Về nguồn lực, chúng ta có đất đai và tài nguyên thiên nhiên, con người (nói cách khác là sức lao động làm ra được bao nhiêu tiền) và nguồn vốn. 3 yếu tố này tạo ra mật độ kinh tế của khu vực đang xem xét. Thứ hai, kết nối với các trung tâm kinh tế có ảnh hưởng, tạo ảnh hưởng đến khu vực xem xét. Thứ ba, việc kết nối có bị hạn chế, ví dụ thiên tai, bão lụt, vấn đề tôn giáo… tạo ra đứt gãy trong mối quan hệ kinh tế giữa các khu vực trên thế giới.
Khi lập quy hoạch, chúng ta phải xem xét các yếu tố địa kinh tế thì mới xây dựng được một chuỗi giá trị kinh tế, có thể trong nội bộ Việt Nam, có thể giữa miền núi với miền biển, giữa Việt Nam với các nước. Chúng ta đều mong muốn có chuỗi giá trị kinh tế cộng sinh, bền vững, không gây tác hại đối với môi trường. Đây là những bài toán cần xem xét trong quy hoạch. Bên cạnh đó, chúng ta phải dùng trí tuệ nhân tạo trong quy hoạch để tìm ra phương án tốt nhất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
XUÂN HỒNG (thực hiện)
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/tranh-lang-phi-nguon-luc-dat-dai-hau-sap-nhap-39729.html