Tranh luận về quyền, trách nhiệm của Nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước

Tranh luận về quyền, trách nhiệm của Nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 13-5, Quốc hội thảo luận về dự luật Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Luật này được cho ý kiến từ kỳ họp thứ 8 và được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề cho DN Nhà nước (DNNN) cũng như kiến tạo các cơ chế sử dụng hiệu quả, phù hợp thị trường phần vốn nhà nước.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM). Ảnh: QH
DNNN làm hay không làm những gì tư nhân làm tốt?
Đại biểu (ĐB) Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho rằng luật hiện hành quy định “mọi thứ hiện nay đều phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về tăng vốn điều lệ kể cả ngành nghề kinh doanh chính… như vậy rất là khó cho các DN”. Ông Tuấn đề nghị phân cấp triệt để cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định theo tình hình phát triển.
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trích báo cáo giải trình về dự luật và cho rằng: “Đầu tư vốn của Nhà nước phải có trọng tâm, trọng điểm. Những việc nào tư nhân làm được để cho tư nhân làm, còn những việc nào tư nhân không làm mà Nhà nước cần phải làm để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội… là rất cần thiết”.
ĐB Hòa nói có những trường hợp tư nhân không đầu tư mà Nhà nước không đầu tư thì không được. “Thời gian qua, chúng ta đầu tư một số công trình đường cao tốc, công trình đường quốc lộ kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi BOT nhưng họ không làm. Vậy ai làm? Nhà nước phải làm” - ĐB Hòa nói và khẳng định đó là điều tất yếu.
ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình). Ảnh: QH
ĐB Nguyễn Văn Thân (ddaonf Thái Bình) cho biết dù đại diện cho DN vừa và nhỏ Việt Nam nhưng ông lại có quan điểm khác, vì trong bối cảnh “kinh tế nhà nước là chủ đạo” thì vai trò của DNNN rất lớn.
“Nếu chúng ta vẫn quan niệm doanh nghiệp tư nhân (DNTN) làm được thì Nhà nước không làm là không phù hợp. Vì DNNN là lấy từ ngân sách nhà nước và DNNN có lãi cũng phải nộp cho Nhà nước, nuôi cán bộ, công nhân, viên chức cũng tạo công ăn việc làm cho Nhà nước thì phải ưu tiên DNNN chứ không thể nói cái gì DNTN làm được thì DNNN không làm. Phải có những ưu tiên” - ông Thân nói.
Ông Thân yêu cầu phải minh bạch các nhiệm vụ giao cho DNNN “chứ không phải đang làm về một nhiệm vụ chính mà thấy bất động sản “hot” lại nhảy vào”. Nếu DNNN muốn “nhảy vào” thì phải xin ý kiến Thủ tướng.
ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). Ảnh: QH
Góp vốn thì Nhà nước chỉ giữ cổ phần, cổ phiếu
Tán thành với các nội dung được tiếp thu, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) kỳ vọng những gì Quốc hội sẽ thông qua về kinh tế - xã hội tại kỳ họp này sẽ hài hòa được cả DNNN và DNTN.
“Lâu nay có câu chuyện là khối nhà nước hay tị nạnh với tư nhân là được cơ chế dễ nhưng khối tư nhân cũng hay so bì với DNNN là ước gì có được nguồn lực và điều kiện như các DNNN. Với tinh thần như vậy, chúng ta hài hòa được đối với cả khối tư nhân và khối nhà nước khi luật này dành một mục tiêu, đó là hiệu quả đối với nguồn vốn” - ĐB Trịnh Xuân An nói.
Trong khi đó, ĐB Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) phân tích theo luật pháp Việt Nam thì nhà đầu tư đã góp tiền và tài sản vào trong DN thì phải chuyển quyền sở hữu tiền và tài sản đó thành sở hữu của DN. “Như vậy nhà đầu tư sau khi chuyển tiền và tài sản thành sở hữu của DN, nhà đầu tư sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp”. Nhà nước đầu tư vào DN thì Nhà nước sở hữu cổ phần, phần vốn góp và thực hiện quyền của mình thông qua phần vốn góp và cổ phần.
ĐB Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình). Ảnh: QH
“Tôi thiết tha đề nghị lần này phải bổ sung trở lại khái niệm vốn nhà nước đã đầu tư vào DN và được xác định rõ đó là phần vốn góp cổ phần trong tỉ lệ sở hữu nhà nước tại DN như dự thảo trước đây” - ĐB Hiếu đề nghị.
ĐB Nguyễn Văn Thân đồng tình việc Nhà nước tham gia góp vốn thì phần vốn đó là tài sản của DN và Nhà nước chỉ sở hữu cổ phiếu, cổ phần. “Nhà nước có ông không trong hội đồng quản trị cũng tham gia được thì rất nguy hiểm và gây cản trở cho DN. DNNN có quyền tham gia cổ phần vào những công ty tư nhân mà họ thấy phát triển để mang lại lợi ích cho Nhà nước, thậm chí tham gia cổ phần ít mà không điều hành gì thì tôi nghĩ nên tạo một không khí phấn khởi và tự do cho DNNN” - ĐB Thân nói.
ĐB Trần Anh Tuấn phân tích từ thực tiễn, ở DN mà vốn nhà nước dưới 50% thì Nhà nước không có quyền quyết định, nếu vốn nhà nước 30% thì Nhà nước chỉ có quyền biểu quyết, phủ quyết, không có quyền quyết định đối với việc chuyển nhượng dự án, đầu tư dự án, thoái vốn hay các hoạt động liên quan tới đầu tư chuyển nhượng như dự thảo luật quy định.
Thực tiễn trong đấu thầu thì giữa đại diện phần vốn nhà nước và DN có thể có xung đột và chuyện này chưa có cơ chế xử lý. “Xung đột này hiện nay sẽ bùng phát và sẽ làm tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu không có sự thống nhất thì DN trở nên kém hiệu quả” - ĐB Tuấn Anh nói và đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu tới đây nên quy định cơ chế giải quyết xung đột với những DN mà Nhà nước góp vốn dưới 50%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: QH
Thực hiện quyền, nghĩa vụ tương ứng tỉ lệ sở hữu vốn
Trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Trong luật lần này thì Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỉ lệ sở hữu vốn góp tại DNNN, tại DN bình đẳng như các nhà đầu tư khác. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đây là thay đổi căn bản của luật sửa đổi lần này”.
Theo ông Thắng, khi góp vốn, Nhà nước chỉ thực hiện quyền của mình trên cơ sở cổ phần và phần vốn góp của mình, đã góp vốn là phải tôn trọng DN và nguồn vốn góp sẽ hình thành tài sản của DN; DN sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
“Các vấn đề cụ thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và sự biến động phát triển của xã hội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển DN” - ông Thắng nói.
Về ý kiến các ĐB liên quan đến phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Thắng cho hay: Đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì phân cấp cho hội đồng thành viên, chủ tịch công ty tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại DN, chủ động ban hành chiến lược kinh doanh năm năm, kế hoạch kinh doanh hằng năm của DN.
“Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty quyết định đầu tư, quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng bổ sung quy định về việc cho công ty con vay vốn, bổ sung quy định xử lý từ lợi nhuận sau thuế đối với chi phí theo quy định của luật chuyên ngành. Những chi phí đầu tư thất bại, chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Chính phủ…” - ông Thắng cho hay.
Đối với DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ thì dự luật cũng phân cấp cho người đại diện phần vốn nhà nước chủ động quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền, chỉ báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên đối với một số nội dung quan trọng.
Nhà nước đầu tư cũng phải tìm lợi nhuận
Góp vốn dưới 50% thì Nhà nước chỉ đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận. Tất cả DNNN tham gia dưới 50% thì đều thông qua người đại diện để theo dõi, đánh giá xem những DN đó có cơ hội phát triển hay không. Nếu có cơ hội phát triển thì chúng ta sẵn sàng tiếp tục góp vốn, còn nếu không có cơ hội phát triển thì chúng ta phải thoái vốn.
Tập đoàn Temasek của Singapore tham gia góp vốn vào rất nhiều các tập đoàn, DN đang đầu tư vào khu công nghiệp và các DN lớn tại Việt Nam. Hầu hết các DN lớn của Singapore hoạt động hiệu quả ở Việt Nam đều có phần vốn của Temasek. Họ đem lại một nguồn lợi rất lớn cho Chính phủ nên chúng ta cũng cần phải tiếp tục phát huy.
Chúng ta có SCIC, nếu quan tâm đầu tư cho SCIC để SCIC cân nhắc tham gia góp vốn vào những ngành, những lĩnh vực, những DN có hiệu quả thì rất thuận lợi. Đây cũng là việc cần làm để tăng thu ngân sách cùng với các DNNN hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính NGUYỄN VĂN THẮNG
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/tranh-luan-ve-quyen-trach-nhiem-cua-nha-nuoc-trong-doanh-nghiep-nha-nuoc-post849585.html