Một số bài viết chia sẻ về công dụng của việc... nhỏ nước cốt chanh vào mắt, mũi, tai. Ảnh chụp màn hình
Song, thực tế, hành động này có thể gây bỏng rát niêm mạc. Bởi axit citric trong chanh có thể gây kích ứng mạnh, bỏng rát, loét niêm mạc mũi, họng và ống tai.
“Thần dược” mang tên nước cốt chanh
Thời gian qua, trên mạng xã hội, nước cốt chanh được ca ngợi như “thần dược”, với hàng loạt công dụng bao gồm: Thải độc, giảm cân, kiềm hóa máu, ngừa ung thư... Một số tài khoản mạng xã hội khẳng định: “Không cần thuốc men, chỉ cần uống nước chanh mỗi sáng là đủ khỏe mạnh cả đời”.
Không dừng lại ở việc uống, một số người còn chia sẻ những cách “chữa bệnh” bằng việc sử dụng nước chanh, như nhỏ trực tiếp vào tai, mũi, họng, thậm chí cả vào mắt. Dù cảm thấy cay xót, khó chịu khi nhỏ nước chanh vào mũi hay mắt, nhưng những người này vẫn tin rằng, làm như vậy giúp đẩy dịch ra ngoài, giúp thông mũi và sáng mắt, trị được mắt lẹo.
Trong đó, một người dùng mạng xã hội khẳng định: “Bạn nào bị các bệnh về tai, mũi, họng nhỏ vào rất xót, nhất là các bạn bị bệnh sẵn nhưng sau đó dịch tuôn ra, dần dần khỏi lúc nào không hay. Mắt sáng, mũi thích, tai đỡ nghễng ngãng hẳn”.
Bài đăng nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Một số dân mạng hào hứng vì cho rằng, “chanh có tính kháng khuẩn, giúp làm sạch tự nhiên, không cần thuốc tây”. Nhiều người nhận định, sử dụng chanh là cách chữa bệnh hoàn toàn bằng tự nhiên nên an toàn. Bởi, chanh có tính kháng khuẩn, khi nhỏ vào sẽ làm sạch niêm mạc mũi, tai.
Nước cốt chanh còn được một số tài khoản cho rằng có khả năng “trẻ hóa”. Tài khoản mạng xã hội B.N cho hay bản thân 55 tuổi, mãn kinh 3 năm nhưng khi uống chanh liều cao (nước cốt chanh) đã có kinh trở lại.
Dưới chia sẻ trên, hàng trăm bình luận vào ca ngợi công dụng của nước cốt chanh. Tài khoản T.C khẳng định bản thân đã mãn kinh nhưng chỉ sau 10 ngày liên tục uống cốt chanh đã có kinh lại. Nhiều người bày tỏ hy vọng chăm chỉ uống nước cốt chanh sẽ trẻ lại.
Trong khi đó, một tài khoản có tên P.T.X. đã chia sẻ về quá trình trải nghiệm uống nước cốt chanh liều lượng cao vào buổi sáng lúc bụng đói. Người này cho biết, mỗi buổi sáng đều uống khoảng 15 quả chanh nhỏ hoặc 10 quả chanh to, tương đương với 200 - 250ml nước cốt chanh và cố gắng lên đến 500ml.
Còn tài khoản có tên N.M.T. cũng cho biết đang uống 300 - 400ml nước cốt chanh vào mỗi buổi sáng. Người này chia sẻ, uống nước cốt chanh như vậy giúp thải độc trong cơ thể.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe
Thực tế, các nghiên cứu y học đã ghi nhận mắt, mũi, tai là những vùng cơ thể có lớp niêm mạc vô cùng nhạy cảm. Chỉ với lượng axit nhỏ đã đủ gây kích ứng hoặc thậm chí tổn thương nghiêm trọng. Một nghiên cứu về tác hại của axit
citric với mô mắt chỉ ra rằng, chỉ cần một lượng rất nhỏ tiếp xúc trực tiếp cũng có thể làm mỏng biểu mô giác mạc, thậm chí dẫn tới sẹo giác mạc, ảnh hưởng lâu dài đến thị lực. Ở trẻ em, nguy cơ này còn gia tăng gấp bội do niêm mạc mỏng yếu, khả năng bảo vệ tự nhiên kém.
Theo chuyên gia y học cổ truyền, TS.BS Trần Hoàng Hải (từng tốt nghiệp Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam), thông tin nhỏ nước cốt chanh vào tai, mũi, mắt để phòng hay chữa bệnh (như cảm cúm, viêm xoang…) là không có căn cứ khoa học và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Cụ thể, hiện nay, không có bằng chứng y học nào chứng minh việc nhỏ nước cốt chanh vào tai, mũi hay mắt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm hay chữa bệnh. Chanh có chứa axit citric, có thể kháng khuẩn nhẹ, nhưng đó là khi dùng đường tiêu hóa (ăn/uống), không phải nhỏ trực tiếp vào niêm mạc. Trong khi đó, niêm mạc tai, mũi hay mắt đều rất nhạy cảm, không giống dạ dày - nơi được “thiết kế” để xử lý axit.
Việc nhỏ nước cốt chanh vào mắt, tai, mũi có thể gây bỏng rát niêm mạc. Bởi, axit citric có thể gây kích ứng mạnh, bỏng rát, loét niêm mạc mũi, họng và ống tai. Đồng thời, có nguy cơ gây viêm nhiễm do mất lớp bảo vệ tự nhiên, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập sâu hơn.
Nếu nhỏ nước cốt chanh vào tai, mọi người có nguy cơ tổn thương màng nhĩ, gây viêm tai giữa, thậm chí ảnh hưởng thính lực nếu không xử lý kịp. Ngoài ra, một số người có thể phản ứng dị ứng với thành phần trong chanh.
Trước một số bài viết khuyên nhỏ nước cốt chanh vào mắt để “sáng mắt, sạch khuẩn”, bác sĩ y học cổ truyền Trần Hoàng Hải cho rằng, đây là cách làm rất nguy hiểm, có thể gây bỏng giác mạc do axit citric trong chanh có tính axit mạnh.
Ngoài ra, có thể gây đỏ mắt, đau rát, chảy nước mắt liên tục, viêm loét giác mạc, nhiễm trùng nặng, giảm thị lực, thậm chí mù lòa vĩnh viễn nếu không xử lý kịp thời. Do đó, mọi người tuyệt đối không được nhỏ bất kỳ chất gì vào mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Mắt là cơ quan nhạy cảm, nên bất kỳ tổn thương nào cũng có thể để lại hậu quả lâu dài.
Trước những thông tin lan truyền trên mạng xã hội, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng bất kỳ phương pháp nào để điều trị bệnh, tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Khoa học đã chứng minh chanh có một số lợi ích như: Cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa sỏi thận, cải thiện làn da, hỗ trợ tiêu hóa, tăng hấp thu sắt. Mặc dù chanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc uống nước chanh sai cách có thể gây nhiều hệ lụy. Trong đó, uống quá nhiều chanh mỗi ngày, uống lúc đói hay uống nước cốt chanh mà không pha loãng với nước lọc đều có thể gây ra những bất lợi đối với sức khỏe.
Vân Huyền