Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đọc từ các kịch bản khác nhau. (Ảnh: ChatGPT Generated / Facebook).
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã phát triển thành một cuộc đối đầu mang tính cấu trúc. Ở đây không chỉ là vấn đề thuế quan hay công nghệ; mà là hai triết lý khác nhau về quyền lực và thời gian. Một bên là chiến lược cấp bách về giao dịch. Bên kia là chiến lược kiên nhẫn mang tính hệ thống. Đây là cuộc thi giữa “Nghệ thuật đàm phán” của Tổng thống Trump và “Binh pháp” của Trung Quốc.
Chiến lược “Nghệ thuật đàm phán” của ông Trump phát triển mạnh nhờ sự gián đoạn, tính không thể đoán trước và đòn bẩy ngắn hạn. Tháng 4/2025, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế mới – 10% trên toàn bộ hàng nhập khẩu, cái gọi là mức thuế “có đi có lại” ở nhiều mức độ khác nhau đối với các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ và lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc. Chiến lược này hướng đến những chiến thắng chính trị và kinh tế ngay lập tức. Như Tổng thống Trump đã từng tuyên bố, "Bạn phải khó đoán. Đó là cách bạn giành chiến thắng."
“Binh pháp Tôn Tử” của Trung Quốc, được đúc kết từ lời dạy cổ xưa của Tôn Tử, coi trọng sự kiên nhẫn, định vị và sức mạnh gián tiếp. Phản ứng của Bắc Kinh là có chủ đích. Áp mức thuế quan phù hợp với hành động của Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng đẩy nhanh các dự án dài hạn: hội nhập thương mại với khối RCEP, điều chỉnh Sáng kiến Vành đai và Con đường và mở rộng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để gây áp lực với đồng USD.
Đồng hồ chiến lược: bốn năm so với 40
Nước Mỹ hoạt động theo "đồng hồ bầu cử", nghĩa là cứ sau bốn năm, các chiến lược sẽ được hiệu chỉnh theo các ưu tiên của cử tri. Thuế quan của Tổng thống Trump là một phần của câu chuyện về sức mạnh của Mỹ và sự phục hồi công nghiệp, như được nêu trong bản thiết kế Dự án 2025 mà nhà lãnh đạo này đang theo đuổi. Các cấu trúc đa phương như WTO bị gạt sang một bên. Trật tự thế giới mới của Tổng thống Trump được xây dựng thông qua một loạt các thỏa thuận.
Mặt khác, Trung Quốc xây dựng kế hoạch qua nhiều thập kỷ. Mỗi động thái trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ và tài chính đều hướng đến mục tiêu giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính tự chủ về mặt chiến lược. Các thử nghiệm xuyên biên giới của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và các giao dịch thương mại dựa trên đồng nhân dân tệ đang gia tăng, hiện ở mức 20%, phản ánh sự thay đổi này.
Cách tiếp cận “áp lực tối đa” của ông Trump tập trung vào thặng dư song phương và tái định cư chuỗi cung ứng. Mục tiêu rất rõ ràng: các nhà máy của Mỹ, việc làm của Mỹ, sức mạnh của Mỹ. Động lực chính trị xây dựng xung quanh chủ nghĩa dân túy chống Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc đóng khung các sáng kiến của mình trong ngôn ngữ của sự thịnh vượng chung. Câu chuyện “Cộng đồng tương lai chung” tìm cách đổi tên sức mạnh của Trung Quốc thành quyền quản lý toàn cầu.
Đánh đổi và lợi ích chiến lược
Thuế quan đã có tác động rõ ràng trong nước. Tại Mỹ, các trung tâm sản xuất đã chuyển chuỗi cung ứng đến Mexico và Đông Nam Á. Tăng trưởng hàng năm của ngành ô tô Mexico là 2,7–4,8%. Tuy nhiên, lạm phát tăng vọt .
Trước khi Tổng thống Trump tăng thuế vào năm 2025, thuế quan đã khiến người tiêu dùng Mỹ thiệt hại 1,4 tỷ USD mỗi tháng, mặc dù ước tính gần đây cho năm 2025 chỉ ra chi phí thậm chí còn cao hơn, với một nguồn tin dự đoán sẽ là 3,1 nghìn USD trong một thập kỷ (khoảng 2.100 USD cho mỗi hộ gia đình vào năm 2025).
Ở Trung Quốc, RCEP đã tăng cường quan hệ khu vực và bảo vệ các ngành công nghiệp chủ chốt. Độc lập về chất bán dẫn đã được thúc đẩy. Đến năm 2023, các công ty Trung Quốc đã đạt được sản lượng chip 14nm. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng nợ liên quan đến BRI và tình trạng chảy máu chất xám liên tục vào hệ sinh thái công nghệ của Mỹ và EU đã làm lộ ra những lỗ hổng.
Những tuần gần đây có những diễn biến mới. Thuế quan mới của Trump không chỉ nhắm vào hàng tiêu dùng mà còn vào các thành phần công nghiệp quan trọng của Trung Quốc, làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất Mỹ. Thuế quan trả đũa của Trung Quốc hiện đánh vào hàng hóa của Mỹ với mức thuế 125%.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5%, thể hiện sự tự tin thông qua các biện pháp kích thích, mở rộng cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Điều thú vị là Trung Quốc đã âm thầm miễn trừ một số chất bán dẫn của Mỹ khỏi sự trả đũa, điều này có thể được coi là một cử chỉ bất đối xứng. Trong khi ông Trump lên tiếng về "các cuộc đàm phán mới", Bắc Kinh công khai phủ nhận bất kỳ cuộc đàm phán chính thức nào đang diễn ra. Sự mơ hồ ngoại giao này phản ánh lời khuyên của Tôn Tử: "Trông yếu đuối khi bạn mạnh mẽ, và mạnh mẽ khi bạn yếu đuối".
Phân mảnh thương mại và quản trị công nghệ
Trong khi đó, các hệ thống thương mại đang phân mảnh. Mỹ ủng hộ Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để thiết lập các chuẩn mực kỹ thuật số mới. Trung Quốc sử dụng các kênh RCEP và BRICS để làm loãng quyền bá chủ quản lý của phương Tây. Các hệ thống tiền tệ tuân theo một vòng cung tương tự. Cầu nối mCBDC, liên quan đến Trung Quốc, Thái Lan và UAE, thử nghiệm các khoản thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới độc lập với SWIFT.
Đồng thời, sự tách biệt công nghệ ngày càng sâu sắc. Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ đầu tư 52 tỷ USD vào việc phục hồi chất bán dẫn của núoc này. Trong khi đó, chương trình "Little Giants" (là những doanh nghiệp nhỏ nhưng có tiềm năng) của Trung Quốc nuôi dưỡng hơn 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ công nghệ, xây dựng một hệ sinh thái ít phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của phương Tây.
Theo tác giải bài viết, các cường quốc vừa và nhỏ đang thích nghi với trật tự thế giới mới. Canada và Australia cung cấp khoáng sản quan trọng cho cả hai khối. Ấn Độ theo đuổi phát triển công nghệ không liên kết, đầu tư vào phần cứng nguồn mở RISC-V. Singapore thúc đẩy tính trung lập kỹ thuật số thông qua các sáng kiến như blockchain TradeTrust.
2030: cùng tồn tại hay va chạm
Hai kịch bản tưởng lai vẫn có thể xảy ra. Khả năng cùng tồn tại và cùng cạnh tranh sẽ chứng kiến sự giảm leo thang. Mỹ và Trung Quốc có thể tìm thấy các ngách hợp tác trong công nghệ khí hậu, quản trị AI và ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh 2.0 hiện ra như một con đường đen tối hơn, với khả năng tách rời hoàn toàn về công nghệ và tài chính, sự rạn nứt SWIFT-CIPS và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đối thủ.
Vũ khí hóa AI cấp độ GPT-7, không được quản lý, có thể làm mất ổn định các hệ thống tài chính và chính trị. Cạnh tranh về quyền tối cao công nghệ xanh, giữa các ưu đãi của Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ và các dự án Vành đai xanh của Trung Quốc, có thể gây ra các vectơ xung đột mới.
Mỹ phải hiện đại hóa các hệ thống đa phương. WTO 2.0 có các giao thức giải quyết tranh chấp về thương mại kỹ thuật số và AI là rất quan trọng.
Trung Quốc cũng phải xem xét lại mô hình Vành đai và Con đường của mình. Việc xóa nợ, đặc biệt liên quan đến các lỗ hổng về khí hậu, có thể mở ra những cơ hội cho hoạt động ngoại giao thiện chí hơn. Một sự thay đổi trong câu chuyện từ “lãnh đạo toàn cầu” sang “chủ nghĩa hợp tác dần dần” cũng sẽ làm giảm bớt sự phản kháng.
Sức bền hơn sự thống trị
Cuộc cạnh tranh giữa “Nghệ thuật đàm phán” và “Binh pháp Tôn Tử” đang định hình một trật tự thế giới mới. Chính sách của Tổng thống Trump là phá vỡ và đạt được lợi ích nhanh chóng. Tầm nhìn của Trung Quốc là cấu trúc, kiên nhẫn và thích nghi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự thống trị có thể không quan trọng bằng khả năng phục hồi. Khả năng thích ứng có thể định nghĩa sự thành công. Các quốc gia như Singapore và UAE đã cho thấy tính trung lập và sự nhanh nhẹn về mặt chiến lược là các hình thức quyền lực.
Như Tôn Tử đã dạy “trong hỗn loạn cũng có cơ hội.” Còn Tổng thống Trump nhắc nhở, “nếu bạn định suy nghĩ, hãy nghĩ lớn.”
Bàn cờ đã thay đổi. Những người chiến thắng tiếp theo sẽ là những người thành thạo cả nghệ thuật đàm phán và chiến tranh.
----
Tác giả Tang Meng Kit tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Các mối quan tâm nghiên cứu của ông bao gồm quan hệ xuyên eo biển, chính trị và các vấn đề chính sách của Đài Loan (Trung Quốc), cũng như công nghệ hàng không vũ trụ.
(Theo AsiaTimes)
Hải Anh