Trật tự thương mại toàn cầu trước làn sóng thuế quan từ Mỹ

Trật tự thương mại toàn cầu trước làn sóng thuế quan từ Mỹ
8 giờ trướcBài gốc
Các phân tích tại webinar “Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Giải pháp ứng phó trong năm 2025 của doanh nghiệp Việt Nam”, do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức sáng ngày 25/4, cho thấy rõ mức độ lan tỏa, rối loạn và cả những sự dịch chuyển cấu trúc sâu sắc đang âm thầm diễn ra trên toàn cầu.
Diễn biến 90 ngày đầy bất ổn: Khi chính nước Mỹ cũng bị cuốn vào vòng xoáy
3 tháng vừa qua được xem là thời gian “thử lửa” với hệ thống thương mại toàn cầu. Các chuyên gia chỉ ra rằng ngay trong nội bộ nước Mỹ, chính sách thuế đối ứng đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Nhiều doanh nghiệp Mỹ tỏ ra lo ngại về áp lực chi phí gia tăng, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi sản xuất nội địa khi phải gồng mình cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu chịu thuế cao nhưng vẫn thiết yếu.
Chỉ số bất ổn toàn cầu (World uncertainty Index) tăng gấp gần 3 lần chỉ trong 1 năm, minh chứng cho sự hỗn loạn đang bao trùm. Các quốc gia không còn nằm ngoài cuộc chơi, bởi nền kinh tế toàn cầu đã quá gắn kết và đan xen lẫn nhau. Mỗi chính sách thuế quan từ Mỹ đều như một làn sóng lan rộng, tạo ra hiệu ứng dây chuyền vượt xa khỏi biên giới Washington.
GS-TS. Nguyễn Đức Khương - Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Leonard de Vinci (Pháp), Chủ tịch sáng lập Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) nhận định rằng Mỹ hiện đang sử dụng “chiến lược tâm lý” trong đàm phán - gia tăng sức ép để các quốc gia tự điều chỉnh mà không cần đi đến đổ vỡ hoàn toàn. Tuy nhiên, hệ quả thực tế lại đang đè nặng lên cả người dân và doanh nghiệp ở nhiều phía.
Trong khi đó, châu Á (bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, các nước ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc) cũng không tránh khỏi những chuyển biến quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Theo TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), một trong những nhận thức sâu sắc hiện nay là thời kỳ toàn cầu hóa "miễn phí" đã kết thúc. Trước đây, các quốc gia thường áp dụng chính sách tự do thương mại để thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhưng giờ đây, bảo hộ mậu dịch đang gia tăng mạnh mẽ.
TS. Thành viện dẫn số liệu chỉ trong vòng 10 năm, số lượng biện pháp bảo hộ mậu dịch đã tăng từ 500 biện pháp mỗi năm (năm 2013) lên tới 3.500 biện pháp (năm 2023). Điều này phản ánh sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm của các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và những căng thẳng thương mại ngày càng sâu sắc hơn.
TS. Phạm Sỹ Thành chia sẻ trong khuôn khổ webinar
Với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các quốc gia buộc phải thiết lập lại các chuỗi cung ứng mới, nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào những thị trường có tính rủi ro cao và tối ưu hóa lợi ích kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa gặp nhiều thử thách. Chủ nghĩa bảo hộ mới không chỉ phản ánh sự thay đổi trong các chính sách mà còn ảnh hưởng đến sự điều chỉnh chiến lược kinh tế của các quốc gia. Chính phủ các nước đang xem xét các biện pháp bảo vệ các ngành kinh tế chủ lực, đồng thời đảm bảo các chuỗi cung ứng toàn cầu không bị gián đoạn.
Đặc biệt, Trung Quốc và Mỹ hiện nay đều hành xử dựa trên lợi ích quốc gia hơn là tuân thủ các nguyên tắc của WTO. Điều này dẫn đến sự suy yếu của trật tự thương mại quốc tế đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ qua. Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã thực hiện các chính sách thuế quan và thương mại mạnh mẽ để bảo vệ nền kinh tế của mình, trong khi Trung Quốc cũng tìm cách bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực.
“Châu Á hiện nay đang cân nhắc rất kỹ lưỡng việc có nên tiếp tục đàm phán với Mỹ hay không. Các nhà lãnh đạo trong khu vực lo ngại rằng, dù ký kết các thỏa thuận hôm nay, nhưng ngày mai chính sách có thể thay đổi đột ngột, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn chính trị tại Mỹ. Thực tế, các quốc gia trong khu vực không thể không tính đến sự biến động chính trị và kinh tế tại Mỹ, nơi mà chính sách có thể thay đổi nhanh chóng dưới tác động của các yếu tố nội bộ và ngoại giao”, TS. Thành nhận định.
Trung Quốc và EU: Hai khu vực đối đầu - đối tác quan trọng trong “cuộc chơi” mới của Mỹ
Riêng về mối quan hệ giữa các siêu cường, Trung Quốc là quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất từ các đợt áp thuế của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia tại tọa đàm nhận định rằng Bắc Kinh không còn bị động như lần thương chiến đầu tiên. Lần này, họ hành xử chủ động, thận trọng và có tính toán chiến lược sâu hơn.
TS. Phạm Sỹ Thành đã chỉ rõ Trung Quốc không còn để Chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện trực tiếp trong đàm phán để tránh tổn hại về mặt hình ảnh. Thay vào đó, nước này tăng cường chuẩn bị nội lực bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tái cơ cấu danh mục sản phẩm, đồng thời phát triển quan hệ với các thị trường mới nổi.
Đặc biệt, Trung Quốc lần đầu tiên đặt điều kiện “ngồi xuống đàm phán” là Mỹ phải gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan, một tín hiệu cho thấy vị thế tự tin hơn và chiến lược cứng rắn hơn. Nếu trước đây họ đàm phán để “giảm thuế”, thì nay họ yêu cầu Mỹ “tự nguyện hạ thuế” mới sẵn sàng đàm phán. Đó là một thay đổi rất đáng chú ý trong thế cân bằng quyền lực thương mại.
Trung Quốc và EU: Hai khu vực đối đầu - đối tác quan trọng trong “cuộc chơi” mới của Mỹ
Trong khi đó, EU - đối tác lâu năm của Mỹ đang từng bước điều chỉnh định hướng chiến lược để tránh phụ thuộc quá sâu vào một đồng minh ngày càng khó đoán. GS-TS. Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh rằng EU hiện không chỉ giữ vai trò là “đối tác thương mại”, mà đang thúc đẩy mô hình hợp tác nội khối sâu rộng hơn, đặc biệt trong các vấn đề phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.
Cùng lúc, EU bắt đầu mở rộng các mối quan hệ chiến lược với những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, như minh chứng cho nỗ lực đa phương hóa. Đề xuất nâng cấp quan hệ thương mại với Việt Nam lên tầm đối tác toàn diện là một phần trong chiến lược này.
EU hiểu rằng trong bối cảnh Mỹ áp dụng chính sách thuế đơn phương, họ phải tự thiết lập hàng rào kỹ thuật riêng để bảo vệ thị trường nội địa. Đồng thời, việc thể chế hóa các hợp tác mới cũng là cách để tăng khả năng đàm phán trong bàn cờ thương mại toàn cầu.
Người tiêu dùng hay doanh nghiệp: Ai đang thực sự trả giá?
Một trong những vấn đề lớn nhất được đặt ra là: Khi Mỹ ban hành chính sách thuế quan khắt khe, ai đang thực sự gánh chịu chi phí? Các chuyên gia tại tọa đàm đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng phần lớn đều thống nhất rằng gánh nặng không chỉ nằm ở một bên.
Các chuyên gia viện dẫn theo nguyên lý kinh tế học cơ bản, nếu cung và cầu đều có độ co giãn vừa phải, thì thuế quan sẽ được chia đều giữa người tiêu dùng và nhà xuất khẩu. Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng, người tiêu dùng ở Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải hy sinh một phần lợi nhuận để giữ thị phần.
Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng, người tiêu dùng ở Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải hy sinh một phần lợi nhuận để giữ thị phần. Ảnh: TTXVN
Một hiện tượng đáng chú ý là Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ để bù lại phần chi phí tăng do thuế. Điều này giúp duy trì khả năng xuất khẩu, nhưng gián tiếp khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn, cả về mặt kinh tế lẫn sự ổn định chuỗi cung ứng.
Theo APF, ngày 23/4 một liên minh gồm 12 bang của Mỹ đã đệ đơn kiện để phản đối thuế quan của chính quyền Trump. Gần 1.400 nhà kinh tế Mỹ, bao gồm những người từng giành giải Nobel kinh tế, cùng ký trong một tuyên bố, cho rằng chính sách thuế là thiếu cơ sở.
GS-TS. Nguyễn Đức Khương còn chỉ ra rằng trong bối cảnh các doanh nghiệp “quen dần” với chính sách thuế cao, một số bắt đầu chủ động điều chỉnh giá cả, cơ cấu sản phẩm và tìm cách đàm phán lại trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, sự thích nghi này đi kèm với rủi ro dài hạn nếu thị trường không mở rộng kịp thời hoặc nếu chính sách tiếp tục thay đổi bất ngờ.
GS-TS. Nguyễn Đức Khương chia sẻ trong khuôn khổ webinar
Sự thay đổi trong cấu trúc thương mại toàn cầu: Chuyển dịch âm thầm nhưng sâu sắc
Từ toàn bộ các phân tích và phản hồi trong buổi hội thảo trực tuyến, một kết luận rõ ràng được rút ra là: cấu trúc thương mại toàn cầu đang thay đổi, không ồn ào nhưng đầy sức mạnh. Các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc và EU đều đang tái định hình lại vai trò, vị thế và mối quan hệ chiến lược của mình trong hệ thống toàn cầu.
Trong khi Trung Quốc tập trung vào củng cố nội lực, mở rộng thị trường không phụ thuộc vào Mỹ và định vị lại vị thế đàm phán thì EU cũng đang tăng cường hợp tác nội khối và hướng đến đa phương hóa. Mặt khác, đối với Hoa Kỳ, dù chủ động tạo ra cuộc chơi mới với các chính sách thuế quan, nhưng cũng phải đối mặt với chính các vấn đề nội tại do chính sách đó gây ra.
Đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đây là giai đoạn mang tính bước ngoặt. Nếu biết tận dụng cơ hội, chủ động tái cấu trúc ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quan hệ đa phương, thì không chỉ ứng phó thành công trong năm 2025, mà còn có thể định vị lại vai trò của mình trong trật tự thương mại thế giới đang được viết lại.
Huỳnh Hoàng - Hưng Khánh
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/trat-tu-thuong-mai-toan-cau-truoc-lan-song-thue-quan-tu-my-317441.html