Vượt qua những cơn bão lũ, mưa đá để cùng chiếc xe hơi tên gọi thân mật là “Sóc” đến thành phố Houston (tiểu bang Texas, Mỹ) vào giữa tháng 7-2025, anh Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ với bạn đọc Đồng Nai cuối tuần những kinh nghiệm bổ ích để có các bức ảnh du lịch (travel photo) đẹp.
Hình ảnh là nhịp cầu giao lưu
Sau chuyến đi xe máy vòng quanh thế giới dài 1.111 ngày (từ năm 2018-2020), anh Khoa thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới lần 2 với việc ưu tiên quay phim làm video, vlog hơn là chụp ảnh như lần trước. Dù vậy, anh thừa nhận “bản thân vẫn thích chụp ảnh và thấy có năng khiếu chụp hơn là quay phim”.
Anh Khoa dùng rất nhiều máy móc khác nhau từ máy ảnh kỹ thuật số Fujifilm XS20, 3 máy quay Gopro, Insta360 X3 dùng quay phim góc rộng 360 độ, máy ảnh Gimbal cầm tay quay được video 4K DJI Osmo Pocket 2, 2 flycam DJI Mini 3 Pro, DJI Neo và lận lưng thêm điện thoại di động tối ưu chụp ảnh Samsung S24Ultra.
Đã đi qua gần trăm quốc gia ở 5 châu lục, Trần Đặng Đăng Khoa tự nhận anh là “A Vietnamese world overlander” (một người Việt Nam du hành khắp thế giới).
“Linh hoạt dùng nhiều thiết bị sắp xếp cố định hay di động ở các vị trí khác nhau, tùy điều kiện môi trường quay, chụp lúc đi bộ hay chạy xe, đáp ứng đủ các thể loại trải nghiệm trên hành trình, kể cả loại hình du lịch mạo hiểm nên việc “hậu cần” như: sạc pin, xả file tư liệu vào ổ cứng lưu trữ, bảo trì, lau chùi số thiết bị này cũng đã chiếm rất nhiều thời gian của tôi” - anh Khoa cho hay.
Anh Khoa cho biết thêm: “Có mang máy Instax dành chụp ảnh lấy liền tặng bạn bè quốc tế và người Việt đồng hương gặp gỡ dọc đường làm kỷ niệm giao lưu kết bạn”. Việc chụp ảnh trên hành trình vòng quanh thế giới đối với anh Khoa không chỉ nhằm “lưu giữ khoảnh khắc, ký ức, mọi địa điểm đặt chân tới như nhật ký hành trình bằng hình ảnh mỗi ngày”, mà còn là nhịp cầu kết nối giữa anh và những người quan tâm theo dõi chuyến đi.
Phụ nữ ở quần đảo Cộng hòa Vanuatu (Tây Nam Thái Bình Dương) qua ống kính của Trần Đặng Đăng Khoa.
“Những bức ảnh có thể giúp mọi người thấy được những chặng đường tôi đã đi qua, cảnh sắc và con người nhiều nơi khác nhau, giúp bạn bè có thể biết thêm một chút về thế giới thông qua góc nhìn của tôi. Tôi thiên về chụp ảnh phong cảnh (landscape), kiến trúc, đời sống con người (daily life) và đặc biệt thích chụp các lễ hội truyền thống ở mỗi quốc gia nhằm phản ảnh đặc điểm các nước một cách trung thực nhất có thể” - anh Khoa thổ lộ.
Mắt bạn quan trọng hơn máy ảnh
Anh Khoa chia sẻ quan điểm: “Đối với một lữ khách như tôi quan niệm, tất cả bức ảnh mà bạn chụp khoảnh khắc nào đó trên hành trình đang đi đều là ảnh đẹp chứ không quá câu nệ ảnh đó phải đạt tiêu chí đánh giá hay mọi chuẩn mực về kỹ thuật, bố cục, ánh sáng… Ảnh một cánh đồng vàng ươm, một góc phố chợ chiều, một cô bé trong trang phục truyền thống và gương mặt rạng rỡ, tươi vui đang nhảy múa giữa lễ hội văn hóa… dù đẹp, xấu thế nào thì đó cũng là bức ảnh do bạn chụp. Đằng sau bức ảnh đó là thời gian, tiền bạc, công sức bạn bỏ ra để đến được những vùng đất xa lạ và biết thêm nhiều điều mới mẻ”.
Trần Đặng Đăng Khoa đến Sydney (Australia) cùng xe máy (2019) và xe hơi (2025).
Dĩ nhiên, travel blogger sinh năm 1987 Trần Đặng Đăng Khoa vẫn công nhận một bức ảnh “cơ bản đủ sáng, không bị nhòe nét sẽ cho người xem biết ngay ta chụp được gì và muốn gửi thông điệp gì khi chụp bức ảnh ấy”.
Một lưu ý từ anh Khoa là: “Dù đam mê chụp ảnh thế nào thì bạn cũng đừng quên dành thời gian để nghỉ ngơi và ngắm nhìn cảnh vật bằng chính đôi mắt của mình; đồng thời, ghi nhớ lại trong tâm trí niềm hạnh phúc được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc hiện diện trước mặt. Những bức ảnh du lịch dù lung linh đẹp đẽ thế nào cũng không thể so được với sự ghi nhận trực tiếp của đôi mắt
con người”.
Trung Nghĩa
6 “mách nhỏ” chụp ảnh du lịch từ Trần Đặng Đăng Khoa
(1) Máy ảnh tốt nhất chính là cái bạn đang cầm trên tay, không cần quá đắt tiền mà đủ dùng là được.
(2) Chụp bất kỳ thứ gì bạn thích. Bạn là duy nhất nên bức ảnh bạn chụp cũng là duy nhất. Hãy yêu thích mọi tấm ảnh bạn chụp được.
(3) Du lịch thường di chuyển nhiều và liên tục nên hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng thẻ nhớ, dung lượng dư dùng và pin dự phòng được sạc đầy đủ. Có túi bọc cẩn thận cho máy ảnh phòng khi trời mưa, thời tiết xấu.
(4) Mang tripod (chân máy ảnh) để chụp cảnh ban đêm hay trong các điều kiện đơn độc, địa hình khó.
(5) Chụp cảnh vật cần chủ động thay đổi nhiều góc ảnh cao - thấp, trái - phải ưng ý nhất để có tiền cảnh lẫn hậu cảnh. Chụp phong cảnh lưu ý canh “giờ vàng trong nhiếp ảnh” (golden hour) chụp sẽ đẹp như bình minh hay hoàng hôn.
(6) Chụp người bản xứ trong đời sống thường nhật thì hãy đến gần họ nhất có thể để chụp sắc nét, sống động hơn; đồng thời, có cơ hội xin phép họ chụp bằng nụ cười thân thiện và lịch sự.