Bác sĩ kiểm tra vết bỏng cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Theo lời kể của gia đình, cách đây một tuần, khi mẹ bé đang pha sữa và phải ra ngoài có việc nên đã để cốc nước sôi trên bàn. Trong lúc chơi đùa, bé vô tình làm đổ cốc nước sôi lên tay. Thay vì đưa bé đến bệnh viện ngay, gia đình lại nghe theo lời khuyên của người quen, đưa bé đến nhà một thầy lang để chữa trị bằng phương pháp dân gian.
Tại đây, thầy lang sử dụng một loại thuốc tự chế, được mô tả là có hình dạng giống lông động vật, để đắp lên vết bỏng. Tuy nhiên, sau khi đắp thuốc, tình trạng của bé không những không cải thiện mà còn trở nặng hơn. Bé quấy khóc nhiều do đau đớn, và gia đình buộc phải đưa bé đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị bỏng nước sôi độ II-III, kèm nhiễm khuẩn. Bé đã được làm sạch tổn thương, thay băng và điều trị chuyên sâu bằng thuốc đặc trị.
TS.BSCKII Thái Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng chia sẻ: "Dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề do điều trị bỏng bằng phương pháp dân gian, nhưng nhiều gia đình vẫn tự ý áp dụng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp, nếu trẻ được đưa đến bệnh viện kịp thời và được sơ cứu đúng cách ngay sau khi bị bỏng, việc điều trị sẽ đơn giản hơn nhiều, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho gia đình. Tuy nhiên, khi đến muộn, vết bỏng đã nhiễm trùng nặng, hoại tử sâu, việc điều trị trở nên phức tạp hơn, thậm chí phải phẫu thuật nhiều lần, để lại di chứng lâu dài cho trẻ".
Để phòng tránh tai nạn bỏng, việc nâng cao ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình là vô cùng quan trọng, đặc biệt là với các gia đình có trẻ nhỏ. Đồng thời, mọi người cần trang bị kiến thức sơ cứu và xử lý vết bỏng đúng cách để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Minh Nhật