Bé được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng tím tái, suy hô hấp nặng, li bì sau khi hóc kẹo lạc tại nhà trẻ.
Theo gia đình, trong lúc đang ăn, bé sặc kẹo, các mảnh vỡ gồm hạt lạc và kẹo lọt sâu vào hai bên phế quản khiến bé khó thở dữ dội.
Ê kíp nội soi, gắp dị vật phức tạp khỏi hai bên phế quản bằng dụng cụ chuyên dụng. (Ảnh: BVCC)
Các bác sĩ đặt nội khí quản, thở máy và lấy dị vật khỏi đường thở. Tuy nhiên, tình huống trở nên phức tạp khi dưới tác động của thân nhiệt, kẹo tan thành mạch nha, dính chặt vào các hạt lạc và bít kín phế quản. Có thời điểm trẻ ngừng tim.
Hình ảnh X-quang cho thấy phổi hai bên mờ rải rác, đặc biệt tại vùng đỉnh và cạnh rốn phổi. Nhận định đây là ca nguy kịch, bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ, hội chẩn liên viện với êkip từ Bệnh viện Nhi Trung ương do bác sĩ Lê Thanh Chương - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp - trực tiếp dẫn đầu.
Ê kíp nội soi, gắp dị vật phức tạp khỏi hai bên phế quản bằng dụng cụ chuyên dụng. Sau thủ thuật, bé được hồi sức tích cực, hỗ trợ thở máy, lọc máu và chăm sóc đặc biệt. Nhờ can thiệp kịp thời, sức khỏe bệnh nhi dần hồi phục và đã được xuất viện.
Bác sĩ trực tiếp tham gia cấp cứu cho biết, đây là một trong những ca dị vật đường thở phức tạp nhất mà bệnh viện từng xử lý. Chậm trễ, trẻ có thể tử vong do suy hô hấp cấp và ngừng tim.
Qua sự việc, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ nhỏ ăn thực phẩm cứng, nhiều hạt hoặc dễ vỡ vụn như kẹo lạc. Cần giám sát chặt trẻ khi ăn uống, đặc biệt tránh để trẻ nô đùa khi ăn để phòng nguy cơ hóc sặc nguy hiểm đến tính mạng.
Như Loan