Ngày 14/05, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố báo cáo đầu tiên sau 5 năm, tóm tắt mức độ hạnh phúc của trẻ em ở các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên nhiều dữ liệu khác nhau. Báo cáo của UNICEF đánh giá về mức độ hạnh phúc của trẻ em ở các nước có thu nhập cao thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Liên minh châu Âu (EU) dựa trên 3 tiêu chí: Hạnh phúc về tinh thần, mạnh khỏe về thể chất và kỹ năng sống.
Theo đó, xét về tiêu chí sức khỏe thể chất của trẻ em, Nhật Bản tiếp tục giữ vững ở vị trí đầu tiên dựa trên tỷ lệ phần trăm trẻ béo phì và tỉ lệ tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên, xét về tiêu chí hạnh phúc tinh thần của trẻ em thì Nhật Bản đứng thứ 14 trong số 36 quốc gia có dữ liệu, tăng sáu bậc so với vị trí thứ 20 trong số 38 quốc gia được xếp hạng vào năm ngoái. Tiêu chí này được đánh giá dựa trên dữ liệu về mức độ hài lòng với cuộc sống của trẻ em ở độ tuổi 15 và tỉ lệ tự tử ở thanh thiếu niên.
Trẻ em Nhật Bản được học nhiều kỹ năng sống từ bậc tiểu học
Cũng theo báo cáo này, các vị trí xếp hạng đầu tiên về tiêu chí hạnh phúc tinh thần tiếp tục không có sự thay đổi so với năm ngoái, khi Hà Lan và Đan Mạch lần lượt xếp thứ nhất và thứ hai, trong khi đó Pháp xếp ở vị trí thứ ba trong tiêu chí này.
Về kỹ năng sống, Nhật Bản đã có sự “bứt phá” đáng kể khi được xếp hạng ở vị trí thứ 12 trong số 36 quốc gia có dữ liệu. Tuy nhiên, yếu tố “sức khỏe tinh thần” của trẻ em vẫn đứng thứ 32, dù đã tăng thêm 5 bậc so với báo cáo của UNICEF vào năm ngoái. Nguyên nhân được lý giải là do tỷ lệ trẻ em đánh giá về mức độ “hài lòng với cuộc sống” đã tăng lên, gần tương đương mức trung bình của các quốc gia thành viên, nhưng tỷ lệ tự tử của trẻ em lại tăng lên (đứng thứ tư trong số 36 quốc gia).
Cũng theo báo cáo này của UNICEF, mối quan hệ giữa các thành viên trong từng gia đình cũng như ở các trường học có tác động lớn đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. Vì vậy, báo cáo kêu gọi các quốc gia cần thiết phải xây dựng và thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo tốt nhất các yếu tố liên quan sức khỏe tâm thần của trẻ em, như hỗ trợ các bậc phụ huynh xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với con cái, giải quyết các rủi ro liên quan vấn đề bạo lực và bắt nạt học đường, cũng như ở cộng đồng các địa phương.
Ngọc Huân/VOV-Tokyo