Trẻ tự kỷ cần được phát hiện và can thiệp sớm

Trẻ tự kỷ cần được phát hiện và can thiệp sớm
một ngày trướcBài gốc
Nhân viên Trạm Y tế xã Cốc Đán (Ngân Sơn) tuyên truyền cho người dân về bệnh tự kỷ.
Ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 62 đã thông qua Nghị quyết đặc biệt, lấy ngày 2/4 hằng năm làm Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, nhằm kêu gọi cộng đồng nâng cao hiểu biết và quan tâm hơn đến hội chứng này, thúc đẩy nghiên cứu để tìm ra phương pháp giúp người mắc tự kỷ cải thiện sức khỏe, khả năng hòa nhập xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong những năm gần đây, y văn trong và ngoài nước đều ghi nhận một sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ trẻ tự kỷ. Theo nghiên cứu vào tháng 3 năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên thế giới cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc tự kỷ. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu năm 2018 của Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện tại 7 địa phương đại diện cho các vùng miền Việt Nam, tỷ lệ trẻ tự kỷ 18-30 tháng là 0,75%; trẻ nam có tỷ lệ mắc cao hơn trẻ nữ khoảng 4-6 lần và tự kỷ có thể gặp ở mọi tầng lớp xã hội, văn hóa, dân tộc.
Bác sĩ Lý Thị Diễn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn: Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn về hành vi giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng tương tác xã hội, tỷ lệ trẻ mắc tự kỷ trong những năm gần đây có xu hướng tăng với tần suất 1/150 trẻ, trong đó trẻ trai mắc tự kỷ nhiều hơn trẻ gái từ 4 đến 6 lần.
Tự kỷ được cho là bệnh lý của não do sự rối loạn phát triển hệ thần kinh và có sự thay đổi về cấu trúc tiểu não, thiếu hụt những kỹ năng tương tác xã hội là vấn đề cơ bản của tự kỷ. Những biểu hiện sớm của khiếm khuyết gồm: Trẻ kém hoặc không giao tiếp bằng mắt; ít đáp ứng khi gọi tên; không dùng những cử chỉ điệu bộ để giao tiếp như không biết chỉ tay, không biết chìa tay xin thứ cần, không biết khoe, cần thứ gì trẻ thường kéo tay người khác lấy giúp, không chú ý nhìn theo khi có người khác chỉ cho biết và thường không chơi với trẻ cùng tuổi.
Sự thiếu hụt trong phát triển cảm xúc và xã hội thường phát hiện khi trẻ được một tuổi. Trẻ thường chậm nói và chậm ngôn ngữ, các động tác cử động bất thường và thường chống đối lại với sự thay đổi bằng ném phá các thứ, cáu gắt bực tức, nhiều trẻ có biểu hiện tăng hoạt động, chạy không biết mệt, nghịch luôn chân tay, không phản ứng phòng vệ với nguy hiểm.
Ngược lại, có trẻ lại sợ hãi lo lắng quá mức trong tình huống không có gì nguy hiểm; những biểu hiện của sự nhạy cảm: như bịt tai khi nghe tiếng động, sợ ánh sáng, hoặc sợ một số mùi vị lạ và không thích sờ vào người, thường có trí nhớ, thị giác, không gian rất tốt.
Hiện nay, chưa có xét nghiệm sinh học nào mang tính đặc hiệu để chẩn tự kỷ. Phương pháp điều trị tự kỷ là nâng cao kỹ năng xã hội, tạo môi trường sống thích hợp, sử dụng những phương pháp can thiệp dựa trên học thuyết nhận thức và hành vi, sử dụng phương tiện nhìn (thị giác) cho việc giáo dục và huấn luyện đa nguyên tắc cho tất cả những nhân viên chuyên nghiệp làm việc với trẻ tự kỷ.
Chương trình giáo dục nên bắt đầu càng sớm, càng tốt nhất là trẻ ở lứa tuổi từ 02 đến 04 tuổi. Hiện cũng không có thuốc đặc hiệu để điều trị tự kỷ. Có một số thuốc được sử dụng làm giảm hành vi tăng động, cơn hờn giận, hung tính, tự gây thương tích, hành vi định hình, lo âu rối loạn ám ảnh nghi thức...
Trong điều trị tự kỷ ở trẻ em, gia đình là nhân tố quan trọng, mọi thành viên trong gia đình đều tiếp xúc với trẻ hằng ngày, kích thích sự phát triển về mọi mặt của trẻ, nhất là ngôn ngữ, kỹ năng nhận biết về môi trường xung quanh, có thể giúp trẻ hình thành các quan hệ xã hội và cách ứng xử. Cách sống và cách tổ chức cuộc sống trong gia đình tốt sẽ khuyến khích, nuôi dưỡng sự phát triển những tính cách tích cực ở trẻ./.
Lý Dũng
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/tre-tu-ky-can-duoc-phat-hien-va-can-thiep-som-post69967.html