Mùa này, miền Nam không lạnh nhưng buổi mai cũng làm cho bạn nhớ về quê nhà, nhớ nhiều khoảng thời gian ấu thơ, được thong dong dưới hàng tre già, nha nhẩn nhặt những chiếc tăm nhỏ rụng xuống từ bụi tre, xẻ đôi ra, làm chiếc kẹp tăm cài lên đầu điệu đà. Bạn nhớ, ngôi nhà nhỏ xinh của mình nằm lấp ló dưới những rặng tre vàng mát rượi, mỗi buổi chiều tan học về, bạn thường được ba phân công quét hết con ngõ dài, ra đến tận bờ sông. Những buổi chiều lành lạnh đìu hiu ấy, một con nhóc gầy còm, nha nhẩn quét cổng, thỉnh thoảng lại ngồi xuống, nhặt nhạnh những cỏ cây, hoa lá cài lên tóc. Lá tre rụng đầy một con ngõ nhỏ, bạn sẽ gom lại, chụm lửa lên đốt cho sạch sẽ.
Bao năm rồi, hàng tre già vẫn oằn mình kẽo kẹt suốt bốn mùa. Lâu lâu có việc, ba mới mang rựa ra, chặt một cây to và già nhất, để làm cọc hay đan một chiếc rổ đựng đồ trong nhà. Kéo được một cây ra khỏi lũy tre rậm rạp, ba ngồi thở dốc. Những cây tre nhỏ đan vào nhau, gai góc và chằng chịt.
Quê nhà bạn từng là nơi trồng rất nhiều tre, đi từ đầu làng đến cuối làng, tre cứ túm tụm, xanh vàng đủ cả. Có những con đường tre nối nhau, phủ kín một màu, tạo thành hình vòng cung đẹp mắt. Những buổi làm đồng mệt mỏi trở về, chỉ cần đi dưới những hàng tre, tâm hồn người nông dân lại trở nên khoan khoái, thư thái lạ thường. Tre xưa nay, vốn đã là biểu tượng của người dân Việt, đi vào những áng văn thơ. “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín...”, bởi được ngợi ca như thế nên từ lâu tre vẫn luôn được ưu ái, tận dụng vào những lợi ích thủ công mỹ nghệ, làm cọc, các loại rổ rá đan lát.
Bạn nhớ hình ảnh ông ngoại gầy còm, ngồi bên hiên nhà, cặm cụi đan rổ tre cho bà ngoại đi bán. Bàn tay gầy ấy thế mà mạnh mẽ, bao nhiêu đường siết chặt, đẩy khít vào ô, ông ngoại làm được tuốt. Rổ ông ngoại đan, mọi người tranh nhau mua, có nhiều người phải đặt hàng và đợi. Lâu lâu được trở về nhà, bạn vẫn hay trêu đùa ông “dạo này còn bán đắt hàng không cụ”?. Nụ cười hiền hậu trên gương mặt già nua của ngoại làm bạn thấy ấm lòng. Chẳng biết còn bao nhiêu mùa được gần bên ngoại nữa, nhưng bàn tay ấy, ánh mắt ấy, giọng nói, nụ cười hiền chắc chắn bạn chẳng bao giờ quên.
Bao năm rời quê đi học, làng vẫn xanh một màu hy vọng của tre. Nhưng một thời gian sau, bạn nghe thông tin thay đổi diện mạo nông thôn, có chỉ đạo từ cấp trên sẽ chặt đi một số hàng tre để những con đường được thông thoáng, bê tông hóa sạch sẽ. Bạn nghe tin, vừa vui, vừa buồn. Vui vì biết diện mạo nông thôn sẽ đổi mới, có nhiều công trình, phần việc và những con đường, trường học được xây mới. Lớp trẻ được tung tăng đến trường trên những con đường lớn. Nhưng cũng man mác buồn vì từ đây trở về quê, nhiều hàng tre già chỉ còn là ký ức thuở nhỏ của bạn và lũ bạn cùng xóm. Ngoại sẽ buồn hiu khi bàn tay già nua ngày nào còn cặm cụi đan lát, nay rảnh rang chẳng còn việc gì làm. Mọi người cũng sẽ có xu hướng mua sắm đồ nhựa nhiều hơn, lại nghĩ đến môi trường và định hướng phát triển môi trường bền vững, xa xăm và diệu vợi.
Sáng nay, ngồi ở máy tính tính, đập vào mắt bạn một dãy tre vàng dài miên man, khu vực của vùng đồng bằng miền Bắc, người mẹ già đang quẩy quang gánh ra đồng, bóng dài đổ theo ánh nắng. Bất giác bạn rưng rưng... nhớ những dãy tre dài quê mình, nhớ ngoại, nhớ những buổi chiều hanh hao ngày thuở nhỏ... sao mà tha thiết, nôn nao.
Thụy