NHCSXH tỉnh Nam Định tích cực triển khai, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở các địa phương.
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trong năm 2023 và 2024, đã có 65.940 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn giúp trên 4.000 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nam Định giảm xuống còn 0,95%.
Công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại Nam Định. Đến nay, tỉnh có 157/161 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 97,5%) và 41/146 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 28,1%), đặc biệt đã có 3 huyện: Trực Ninh, Xuân Trường và Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Điểm tựa để người dân phát triển kinh tế
Nguồn thu nhập chính của gia đình chị Đinh Thị Xuân (xóm 7, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) là sản xuất đồ mộc gia dụng. Chị Xuân chia sẻ, trước đây cơ sở sản xuất của gia đình toàn làm theo cách thủ công, các sản phẩm làm ra mất nhiều công đoạn, thời gian, mặt hàng lại không có độ chi tiết, điểm nhấn nên chỉ tiếp cận được với những khách hàng nhỏ lẻ.
Gia đình chị đã được tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Nghĩa Hưng cho vay theo 3 chương trình: vay giải quyết việc làm, vay vốn nước sạch và vay vốn cho sinh viên. Nhờ sử dụng nguồn vốn chính sách hiệu quả, gia đình không những đã trả lãi và gốc theo đúng quy định của ngân hàng, mà còn tạo ra điểm tựa để phát triển kinh tế bền vững.gia đình đã đầu tư mua các loại máy móc hiện đại như máy chế biến gỗ CNC, máy cưa, máy nén khí… với sự giúp sức từ khoa học kỹ thuật, sản phẩm đồ gỗ làm ra nhanh hơn, độ chính xác cao, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Đến nay, cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng của gia đình chị Đinh Thị Xuân, trú tại đã từng bước tạo dựng được thương hiệu riêng, mỗi tháng có hàng chục đơn đặt hàng các sản phẩm gia dụng như; bàn ghế, giường, tủ… từ các cơ sở kinh doanh đồ gỗ có tiếng tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH cũng là trợ lực cho gia đình anh Phạm Văn Thọ - là một hộ cận nghèo tại xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, kinh tế gia đình phụ thuộc vào xưởng làm nhôm kính nhỏ lẻ và đồng ruộng. Năm 2021, nhờ sự tư vấn, giới thiệu của các hội, đoàn thể tại địa phương, anh Thọ đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Hải Hậu để mua sắm máy móc, nguyên liệu mở rộng sản xuất.
Anh Thọ cho biết: Tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi anh đã đầu tư mua thêm máy móc, mở rộng xưởng, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm cơ khí. Nhờ có sự tin tưởng của khách hàng trong và ngoài xã, xưởng cơ khí đã liên tục có được nhiều đơn hàng, thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình nhà ở cho người dân cũng như một số công trình lớn trên địa bàn. Không những có được kinh tế bền vững mà hiện nay anh còn tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nhờ nguồn vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều hộ trồng hoa tại xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định, có nguồn vốn khôi phục lại sản xuất do ảnh hưởng bởi mưa bão năm 2024
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu Nguyễn Văn Quản, Đa số các hộ vay vốn ưu đãi từ NHCSXH trên địa bàn xã thời gian qua đều sử dụng đúng mục đích mang lại hiệu quả. Nguồn vốn là điểm tựa sinh kế giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên, góp phần quan trọng trong thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Tạo điều kiện đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định Phạm Thị Thủy cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự đã đi vào cuộc sống giúp tạo sinh bền vững cho nhiều hộ vay vốn, đặc biệt đã giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng.
Năm 2025, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định phấn đấu hoàn thành nguồn vốn huy động, nguồn vốn ủy thác và tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch; 100% hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện đều tiếp cận được vốn; 100% các xã, phường đạt chất lượng tín dụng tốt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động tín dụng chính sách…
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngân hàng sẽ mở các lớp đào tạo để nâng cao nghiệp vụ ủy thác, ủy nhiệm cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn; ứng dụng hiện đại hóa tin học trong hoạt động tín dụng chính sách nhằm đưa nguồn vốn đến với hộ dân một cách nhanh chóng, kịp thời; đồng thời, tăng cường nắm bắt kịp thời nhu cầu cũng như khó khăn, vướng mắc của hộ vay vốn để kịp thời tháo gỡ.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể định hướng, tư vấn cho các hộ gia đình về phương án phát triển sản xuất, kinh doanh trước khi vay vốn; phối hợp lồng ghép hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tăng cường giám sát, giúp đỡ các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Công Luật