Trên những đoàn 'Tàu không số'

Trên những đoàn 'Tàu không số'
8 giờ trướcBài gốc
Cựu chiến binh Trần Hữu Điểu luôn tự hào về những năm tháng chiến đấu quả cảm trên đường Hồ Chí Minh trên biển.
Năm 1964, khi vừa tròn 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, chàng trai trẻ Trần Hữu Điểu đã lên đường nhập ngũ và được tham gia vào Trung đội 1, Đại đội 17, Trung đoàn 170 Hải quân. Tháng 3/1965, ông được chuyển về Đoàn 125 Hải quân (sau là Lữ đoàn 125 Hải quân). Nhằm che mắt quân địch, bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải quân sự đặc biệt, những chiếc tàu của đơn vị ông đã cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, còn bộ đội đóng giả làm dân vạn chài để trà trộn, xen lẫn vào những chiếc tàu đánh cá của ngư dân để hoạt động. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, những cán bộ, chiến sĩ “Tàu không số” như ông Trần Hữu Điểu đã bí mật, mưu trí, dũng cảm vượt qua mọi sóng to, gió lớn của biển cả cũng như sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của kẻ thù, trực tiếp chi viện nhân lực, vũ khí và hàng hóa cho chiến trường miền Nam.
Cựu chiến binh Trần Hữu Điểu cho biết, ông đã tham gia 11 chuyến đi vận chuyển vũ khí, hàng hóa và cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường miền Nam. Thông thường, mỗi chuyến vận chuyển thường kéo dài từ 20 ngày đến một tháng. Những ngày ở trên biển, các chiến sĩ trên “Tàu không số” đã gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm như: mưa to, gió lớn, biển động hay sự truy sát của kẻ thù. Trong đó, chuyến đi cuối cùng là đáng nhớ nhất trong những năm tháng tham gia đoàn “Tàu không số” của ông. Theo dòng ký ức, vào ngày 12/4/1972, ông được lệnh tham gia Tàu 54. Khi đó, để tránh sự phát hiện của kẻ thù, Tàu 54 đổi phiên hiệu thành Tàu 645 xuất phát từ đảo Hải Nam (Trung Quốc). Tàu 645 do thuyền trưởng Lê Hà và chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy. Trong chuyến đi này, tàu vận chuyển 100 tấn vũ khí cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ tiếp ứng cho chiến trường miền Nam. Sau 10 ngày lênh đênh trên biển, ngày 23/4/1972, Tàu 645 đến đảo Phú Quốc và chờ đêm xuống sẽ cập bến ở Cà Mau theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đến sáng 24/4/1972, xác định rõ Tàu 645 giả danh tàu đánh cá, quân địch đã điên cuồng nổ súng bắn uy hiếp với mục tiêu bắt sống toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Trước tình thế vô cùng nguy hiểm, chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu vừa chỉ huy chiến đấu, vừa động viên anh em. Khi biết tàu ta hỏng lái, chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đề nghị thuyền trưởng Lê Hà đưa anh em rời tàu, còn anh ở lại điểm hỏa hủy tàu. Lúc đó, anh em trên tàu phần lớn đều bị thương, nên phải cụm lại một khối dìu nhau mà bơi, tất cả là 16 người. Bơi được một khoảng khá xa thì ông Trần Hữu Điểu và đồng đội nghe thấy tiếng tàu nổ dữ dội, trên mặt biển bùng lên ngọn lửa lớn. Tàu đã bị phá hủy, nhưng cả 16 chiến sĩ còn lại của Tàu 645 sau đó đều bị địch bắt và giam tại nhà tù Phú Quốc. Sau gần một năm bị giam cầm, quân địch đã sử dụng rất nhiều hình thức tra tấn dã man nhưng ông Điểu và tất cả cán bộ, chiến sĩ đều nhất quyết giữ bí mật tuyệt đối. Năm 1973, sau Hiệp định Pari, ông Điểu và các chiến sĩ được trả tự do.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim cựu chiến binh Lê Duy Mai, phường Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn). Ông Mai kể, ông tham gia chuyến đi trên Tàu C235 thời điểm Tết Mậu Thân 1968, khi vào Hòn Hèo - Khánh Hòa thì bị 7 tàu địch bao vây. Thuyền trưởng Phan Vinh cho anh em rời tàu, một mình ở lại điểm hỏa, rồi bơi vào bờ. Khối bộc phá làm con tàu vỡ đôi, một nửa chìm xuống nước, một nửa văng lên vách núi. Địch truy lùng trên bờ, Phan Vinh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh khi mở vòng vây cho đồng đội, nhiều đồng chí khác cũng mãi mãi nằm lại Hòn Hèo.
Ông Mai còn nhớ rất rõ trong cuộc chiến đấu ấy, dẫu phá được tàu nhưng nhiều đồng đội đã hy sinh. 7 người còn sống sót dìu nhau vòng tránh địch lùng sục truy sát; suốt 13 ngày đêm đói khát, không lương thực, không nước uống để tìm bến, tìm người, phải ăn cây rừng, ốc sên, ăn kiến, ăn còng, uống nước trong hốc cây... nhưng rồi tất cả những thứ đó chỉ làm dịu đi cơn đói, cơn khát trong chốc lát. Trong những lần đi tìm nước uống, một lần đồng chí Thật không trở về, lần khác thì đồng chí Khung cũng không quay lại, rồi đến lượt thuyền phó Đoàn Văn Nhi cũng hy sinh... Đến đêm thứ 13, khi sức đã cùng, lực kiệt, bốn anh em phát hiện có người thả lưới ở ven biển, may mắn người đó lại là người của bến đang đi thả cá vừa là để cải thiện bữa ăn, vừa tìm cách dò la tin tức của anh em Tàu C235. Bốn người may mắn sống sót được dẫn về căn cứ.
Chiến tranh đã qua đi, thời gian luôn hướng về phía trước, nhưng những ký ức và kỷ vật thực sự trở thành thứ tài sản vô giá đối với các chiến sĩ đoàn “Tàu không số” năm xưa. Ông Trần Hữu Điểu, ông Lê Duy Mai và rất nhiều người con xứ Thanh vẫn luôn tự hào về những năm tháng chiến đấu quả cảm trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Những chiến công anh hùng, những câu chuyện huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng sáng ngời của tinh thần đoàn kết, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trong suốt 14 năm (1961-1975), cán bộ, chiến sĩ trên đường Hồ Chí Minh trên biển đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khắc phục khó khăn, mưu trí, dũng cảm, táo bạo; vượt qua sự phong tỏa ác liệt, sự truy sát gắt gao của kẻ thù. Hàng trăm lượt con tàu đã ra khơi, hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc chữa bệnh và hàng chục ngàn lượt người đã từ hậu phương vào tiền tuyến lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bài và ảnh: Thanh Huê
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/tren-nhung-doan-tau-khong-so-247216.htm