Đây là hoạt động diễn ra hằng năm thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thành kính tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn, phẩm chất cao quý của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người dành trọn cuộc đời, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Các đại biểu thực hiện nghi thức mặc niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Nhựt cho biết, cuộc đời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương về lòng nhiệt thành yêu nước, trung thành với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân, bất khuất trước kẻ thù, đức khiêm tốn giản dị trong lối sống, hết lòng thương yêu đồng bào. Ông Nguyễn Minh Nhựt mong rằng, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, phát huy sức lực để những thông tin, giá trị về Chủ tịch Tôn Đức Thắng được lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc Triển lãm chuyên đề “Bác Tôn – Ngày trở về”.
Ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực, người con ưu tú của quê hương An Giang, người chiến sỹ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong gần 70 năm, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Bác Tôn kính yêu đã đi xa nhưng đạo đức cách mạng và những phẩm chất sáng ngời luôn là nền tảng vững chắc để các thế hệ tiếp nối kế thừa và học tập.
Ông Phạm Thành Nam mong rằng, thời gian tới, Bảo tàng tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hiến tặng tài liệu, hiện vật từ các tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện các bộ sưu tập, làm phong phú, đa dạng hơn cho nội dung trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn. Ông Phạm Thành Nam mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến góp ý để đáp ứng yêu cầu tăng cường chất lượng hoạt động của Bảo tàng, phục vụ công chúng ngày càng tốt hơn.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng tiếp nhận tư liệu ảnh về Bác Tôn từ cô Tôn Thị Bạch Tuyết, cháu của Bác Tôn tại buổi họp mặt.
Nhân dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã tiếp nhận phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” gồm 90 tập; tư liệu ảnh về Bác Tôn từ Hãng phim tài liệu và Điện ảnh nhân dân và cô Tôn Thị Bạch Tuyết - cháu của Bác Tôn trao tặng. Bảo tàng tổ chức trao giải cho 5 cá nhân đoạt giải trong cuộc thi sáng tác ảnh “Bác Tôn trong tôi”. Em Trần Thị Tú Quyên (sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng) đã giành giải Nhất cuộc thi.
Dịp này, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Bảo tàng Tôn Đức Thắng khai mạc Triển lãm chuyên đề “Bác Tôn - Ngày trở về” nhằm giới thiệu hành trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ khi rời nhà tù Côn Đảo trở về đất liền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến năm 1975.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra và lớn lên tại Cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Xa quê từ lúc còn thiếu thời nhưng cuộc sống và ý thức của giai cấp công nhân đã tiếp bước rèn luyện người thanh niên ấy trở thành chiến sỹ cách mạng kiên cường và lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Trong vai trò Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bác Tôn được nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội - đại diện cho nhân dân miền Nam. Tháng 3/1946, Bác Tôn được triệu tập ra Hà Nội. Sau đó với nhiều trọng trách quan trọng, Bác Tôn đã cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vừa xây dựng chính quyền của nhân dân vừa tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Tin, ảnh: Hồng Giang (TTXVN)