Trong khuôn khổ Hội nghị Cybertech Global Tel Aviv tổ chức tại Israel vào cuối tháng 3/2025, nữ chuyên gia Esti Peshin, Tổng giám đốc Bộ phận An ninh mạng của tập đoàn công nghiệp vũ trụ Israel (Israel Aerospace Industries Ltd) đã đăng đàn phát biểu về thuận lợi và thách thức của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong bảo đảm an ninh mạng. Peshin từng có 11 năm phục vụ trong quân đội Israel (IDF) và làm quản lý tại một đơn vị công nghệ tinh nhuệ của IDF. Dưới đây là những nét chính trong ghi chép của phóng viên VOV.VN về phát biểu chuyên đề của Peshin:
Nghiên cứu về AI. Hình ảnh trưng bày tại Triển lãm Cybertech Global Tel Aviv 2025.
Thế lực AI mới nổi và vấn đề an ninh mạng
AI (trí tuệ nhân tạo) đang trở nên ngày càng quan trọng. Ngoài việc mang lại cơ hội cho ngành phòng thủ mạng, AI cũng mang lại thách thức lớn, đồng thời là một nhân tố tấn công tiềm tàng.
Hiện nay “Internet Vạn vật” (IoT) cũng như AI đang phát triển rất mạnh. Chúng ta đã thấy sự gia tăng đáng kể các thiết bị IoT.
Mọi thứ đang trở nên thông minh hơn. Hệ thống điều hòa nhiệt độ tại gia có thể kết nối với internet, AI có thể điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa, học thói quen của người sử dụng và điều chỉnh nhiệt độ theo sở thích của chủ nhân.
Bên cạnh đó, còn có cả vận tải thông minh, đèn giao thông thông minh, đường đi lại thông minh.
Song song với xu hướng đó là tình trạng gia tăng tấn công mạng. Mọi thứ trở nên thông minh hơn nhưng không nhất thiết được bảo đảm an toàn hơn. Như các trạm sạc xe điện, chúng được kết nối internet và đó là nhân tố IoT nhưng liệu chúng được bảo đảm an toàn về mạng?
Những nhân tố IoT đều có nguy cơ bị tấn công mạng do chúng được kết nối với internet. Để giảm thiểu nguy cơ, chúng cần được cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, do số lượng thiết bị IoT như thế này rất nhiều nên chúng tạo ra diện nguy cơ cao bị tấn công.
Hệ thống mạng gồm nhiều thiết bị IoT nên việc bảo vệ sẽ mang tính toàn diện, bao gồm hết thảy các thiết bị này, nhiều khi thuộc các loại, nhóm khác nhau.
Trong khi đó, AI đang trở thành một mặt hàng phổ biến và AI đang thay đổi cấu trúc an ninh mạng.
Để bảo vệ các bề mặt rộng lớn và đa dạng, cần có các công nghệ mới thông minh hơn. AI có thể cung cấp giải pháp cho điều này, đáp ứng linh hoạt nhu cầu xử lý các mối đe dọa an ninh mạng đa dạng. Theo đó, AI giúp quản lý các rủi ro một cách tốt hơn.
Có nhiều yếu tố cần tính đến khi bảo vệ thiết bị IoT. AI có thể dò tìm các mối đe dọa mà chúng ta chưa biết. Nó cũng có khả năng dự báo - điều cực kỳ quan trọng trong một thế giới đầy rẫy mối đe dọa mới nổi.
Bà Peshin phát biểu tại Hội nghị Cybertech Global Tel Aviv 2025.
“Thanh gươm hai cạnh sắc”
Nhưng AI cũng là con dao 2 lưỡi. Vì AI đã trở thành sản phẩm hàng hóa, nên không chỉ bên phòng ngự mới dùng mà bên tấn công cũng có thể lợi dụng. Trong lúc bên phòng ngự tận dụng AI để phát hiện lỗ hổng bảo mật nhanh hơn, sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn thì bên tấn công cũng dùng AI để phát hiện điểm yếu của đối phương nhanh hơn, tạo ra những mối đe dọa lâu dài và mới mẻ hơn, tạo ra những vector tấn công mới. Ngoài ra, chúng ta còn phải đối mặt với những cuộc tấn công mạng hoàn toàn do AI kiến tạo.
Bản thân AI cũng là một bề mặt tấn công khi mà chúng ta càng ngày phụ thuộc vào AI. AI đang sử dụng dữ liệu của chính chúng ta. Nếu ai đó cố tình thao túng AI vào mục đích xấu, điều đó có thể gây sụp đổ nền ngay bên dưới chân chúng ta.
Nếu một tổ chức phụ thuộc vào các năng lực của AI và rồi cơ sở hạ tầng AI bị tấn công, chuyện gì sẽ xảy ra với tổ chức đó, với những dây chuyền sản xuất, với những nhà máy AI? Đây là những điều chúng ta phải tính đến.
Một số bài học/nguyên tắc mà ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Israel rút ra khi tận dụng an ninh mạng dựa trên AI để bảo đảm an toàn cho các nền tảng IoT và tự động, bao gồm:
Thứ nhất, phải bảo đảm độc lập về liên lạc. Bởi vì liên lạc giữa các thiết bị IoT và lõi trung tâm là dễ bị tổn thương.
Thứ hai, cần bảo đảm an toàn cho các thiết bị IoT trong chỉnh thể khối (bao gồm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, hàng chục nghìn thiết bị như vậy).
Thứ ba, bảo đảm nhân sự an ninh mạng nắm được quy trình bảo vệ hệ thống và ngay cả người không phải là nhân sự an ninh mạng cũng có thể vận hành được hệ thống bảo vệ này. Cũng cần đặc biệt chú ý bảo vệ cơ sở hạ tầng AI.
Trung Hiếu/VOV.VN ghi