Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, đây là giai đoạn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho đầu tư phát triển trước yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, hướng tới GDP tăng trưởng 2 con số.
Thực tế cho thấy, không có đầu tư thì không có tăng trưởng. Muốn có đầu tư thì phải có nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi. Đầu tư cho các dự án trọng điểm bao gồm nhiều nguồn vốn khác nhau, như ngân sách, vốn FDI… Nhưng trong đó, tín dụng ngân hàng vẫn là một nguồn vốn quan trọng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc.
Trước tình hình trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Phó Thống đốc cho rằng đây là bài toán khó khăn trong bối cảnh nhiều gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai, có chương trình được giải ngân rất tốt nhưng cũng vẫn còn gói tín dụng bị vướng mắc bởi một số yếu tố như không đáp ứng điều kiện vay vốn… Hay một số vấn đề liên quan đến các dự án như BOT giao thông… những vướng mắc còn hiện diện chưa tạo niềm tin cho nhà đầu tư và ngân hàng trong hỗ trợ vốn.
Đối với gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, theo Phó Thống đốc, về phía các ngân hàng đã cam kết tham gia, cơ bản đã đủ 500.000 tỷ đồng và có nhiều ưu đãi dành cho các dự án, đơn cử như về lãi suất ưu đãi, về việc cho vay trung, dài hạn.
Thực tế, vốn ngân hàng có bản chất là vốn ngắn hạn. Hiện nay, để đáp ứng đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang ngày càng giảm dần. Điều này cũng nhằm đáp ứng các chuẩn mực an toàn quốc tế như Basel II, Basel III. Luật các TCTD sửa đổi cũng có nhiều quy định liên quan đến đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng trong vấn đề cho vay.
“Vì vậy, việc cho vay trung và dài hạn cũng chính là một ưu đãi từ phía ngân hàng. Các ngân hàng cũng có trách nhiệm đồng thuận tham gia gói tín dụng này”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Ngành Ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để gói tín dụng này đi vào cuộc sống, Phó Thống đốc cho rằng cần một số điều kiện. Cụ thể, các bộ, ngành cần có kế hoạch, định hướng về nhu cầu vốn cho các dự án trong từng giai đoạn, nhu cầu vốn từ ngân sách, vốn từ ngân hàng… Từ đó, ngành Ngân hàng cũng chủ động trong việc chuẩn bị nguồn vốn để cho vay.
Bên cạnh đó, những vấn đề khó khăn còn tồn tại trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, điện… và những dự án trọng điểm khác cũng cần được giải quyết với dự tham gia tích cực của các bộ, ngành. Ngoài ra, yêu cầu cụ thể ở gói tín dụng 500.000 tỷ đồng này về phía các bộ, ngành cũng cần được chia sẻ để có thể đảm bảo xây dựng gói tín dụng ưu đãi, hiệu quả cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số.
Quỳnh Trang - ảnh: Hoàng Giáp