Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) xử lý khối lượng lớn rác thải sinh hoạt của thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang
Còn đó những thách thức
Một câu hỏi nhiều người đặt ra là: Quá tải về hạ tầng đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh ảnh hưởng thế nào đến bảo vệ môi trường?
Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, hiện tổng dân số gần 9 triệu người, mật độ dân số gấp 8,2 lần so với cả nước. Trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt nhưng chỉ thu gom, xử lý đạt 80-85%. Số rác thải tồn đọng bị vứt đổ bừa bãi tại các kênh, mương, ao hồ hay các khu đất trống, ven trục đường giao thông... dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, mất mỹ quan đô thị.
Cùng với đó, ô nhiễm không khí gia tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia ô nhiễm không khí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên toàn thế giới, trong đó riêng Hà Nội xếp thứ 8 về mức độ ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trung bình mỗi năm, người Hà Nội hít thở một lượng bụi mịn PM2.5 gấp 9 lần mức khuyến cáo an toàn cho sức khỏe của WHO.
Nguồn phát thải bụi chính của Thủ đô đến từ các phương tiện giao thông đường bộ và nguồn bụi đường, tiếp đến là nguồn công nghiệp và nguồn đốt rơm rạ. Ngoài ra còn có khí thải từ làng nghề, khói của quá trình đốt rơm rạ tàn phá môi trường không khí...
Lấp “khoảng trống” về chính sách
Hướng đến xây dựng hạ tầng đô thị xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững là việc làm không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Song, để mục tiêu trên sớm đi vào thực tiễn, Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đã có những cơ chế đột phá, vượt trội. Điểm nổi bật là Luật đề ra giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch. Có các điều khoản hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, quy định vùng phát thải thấp (khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường).
HĐND thành phố được giao quyền quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện chất lượng không khí. Để giảm tải áp lực lên môi trường, Luật còn quy định các biện pháp khuyến khích hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cơ sở sản xuất thuộc ngành, nghề không ưu tiên phát triển tại làng nghề ở nông thôn; ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất.
Luật Thủ đô cũng đã có những quy định rất rõ tại Điều 17 về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; Điều 28 về bảo vệ môi trường, như: Quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch…
Theo Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội, “cây gậy” pháp lý nêu trên có tác động kép. Một là giải quyết vướng mắc trong thực tế do pháp luật hiện hành mới chỉ quy định các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các phân vùng môi trường nhưng chưa quy định cụ thể các biện pháp khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư cho các phương thức sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ có mức độ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô. Về dài hạn, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông ở Thủ đô. Trong số các chính sách đề ra, không ít nội dung đã được áp dụng đối với thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 2-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, mang lại những kết quả ấn tượng.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhìn nhận, Luật Thủ đô đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường, bao gồm các nội dung quản lý môi trường, xử phạt trong lĩnh vực môi trường, nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Để luật đi vào đời sống, cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, các chương trình ưu tiên hành động như rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; giảm phát thải từ các nguồn chính từ giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" cho các đơn vị liên quan.
Hà Phong