Thượng tướng Phạm Hoài Nam chủ trì buổi làm việc triển khai, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ chế tạo đạn pháo thông minh. Ảnh Bộ Quốc phòng
Triển khai nhiệm vụ chế tạo đạn pháo thông minh
Theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng, ngày 9/7, tại Hà Nội, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì buổi làm việc triển khai, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ chế tạo đạn pháo thông minh.
Thời gian vừa qua, Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực, chủ động nghiên cứu kết cấu, tính năng kỹ - chiến thuật của đạn pháo thông minh và các công nghệ cốt lõi.
Đây là sản phẩm mà ngành công nghiệp quốc phòng có đủ năng lực sẵn sàng nghiên cứu, chế tạo, làm chủ công nghệ và tổ chức sản xuất được ngay, qua đó kịp thời đưa vào trang bị cho các lực lượng phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Phạm Hoài Nam nhấn mạnh, đạn pháo thông minh được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến, có hàm lượng khoa học cao.
Do vậy, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có thế mạnh trong và ngoài Quân đội như: Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội; đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu và đưa ra lộ trình phát triển sản phẩm phù hợp, sát thực tiễn để triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, đạt chỉ tiêu, tính năng kỹ - chiến thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị lần 2 triển khai xây dựng Đề án phát triển công nghiệp xe quân sự (Đề án 4461).
Triển khai xây dựng đề án phát triển công nghiệp xe quân sự
Trước đó, báo QĐND cho biết, ngày 8/7, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị lần 2 triển khai xây dựng Đề án phát triển công nghiệp xe quân sự (Đề án 4461).
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị cho rằng: Đề án 4461 tập trung rà soát, đánh giá thực trạng công nghiệp xe quân sự Việt Nam; dự báo nhu cầu bảo đảm xe quân sự cho các lực lượng thời gian tới.
Trên cơ sở đó, đề xuất kế hoạch, giải pháp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, cải tiến hiện đại hóa xe quân sự, thử nghiệm và bảo đảm kỹ thuật cho các dòng xe quân sự, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự và nhu cầu lưỡng dụng.
Các đại biểu cũng đề nghị, đề án phải đề ra lộ trình phù hợp, trên cơ sở năng lực về con người, trên cơ sở vật chất, trình độ khoa học kỹ thuật...; từng bước làm chủ công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hình thành chuỗi cung ứng ổn định, tận dụng tối đa năng lực cơ sở công nghiệp dân sinh; các giải pháp xây dựng hệ thống đồng bộ và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật-công nghệ, đào tạo nhân lực...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Phạm Hoài Nam nhấn mạnh, Đề án 4461 bảo đảm đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng công nghiệp quốc phòng hiện đại gắn với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Quá trình xây dựng đề án, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Đề án 4461 tích cực, chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo nội dung đề án.
Phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng của công nghiệp xe quân sự Việt Nam hiện nay và đề xuất danh mục sản phẩm mục tiêu dự kiến triển khai thời gian tới, nhất là các chủng loại xe mà công nghiệp quốc phòng có đủ năng lực nghiên cứu, chế tạo làm chủ công nghệ và tổ chức sản xuất...
Thượng tướng Phạm Hoài Nam yêu cầu Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Đề án tiếp thu ý kiến tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo đề án.
Trong đó, phải xác định cụ thể hơn nhiệm vụ, phạm vi đề án; sản phẩm mục tiêu, trên cơ sở đó thiết kế, chế tạo, hiện đại hóa xe quân sự phù hợp với khả năng kinh tế, điều kiện địa hình, nghệ thuật tác chiến, nhu cầu của các đơn vị; phân định rõ nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, hiện đại hóa, bảo đảm kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đồng bộ về xe quân sự; hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ phát triển và kiểm soát chất lượng sản phẩm công nghiệp xe quân sự...