Triển khai phương án chủ động ứng phó với bão số 7

Triển khai phương án chủ động ứng phó với bão số 7
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 8/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp trực tuyến với bộ, ngành Trung ương và các địa phương từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận để triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 7 (bão Yinxing). Lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 8/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166 km/h), giật cấp 17; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo 24h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, vị trí bão sẽ ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông Bắc, sức gió mạnh cấp 13, 14, giật cấp 17. Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4-6 m, vùng gần tâm 6-8m; biển động dữ dội.
Bản đồ đường đi bão số 7. Ảnh: Website Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT, các đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai ứng phó với bão. Đến nay, có 14 tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành công điện, văn bản triển khai ứng phó.
Lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp với các đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn an toàn cho phương tiện, tàu thuyền. Tính đến 11h ngày 8/11, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.704 phương tiện/312.506 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 87 tàu/582 người hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Hiện, không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Các địa phương đang tiếp tục hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ...
Đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các ngành, địa phương đã báo cáo hậu quả, công tác khắc phục ảnh hưởng của bão số 6 vừa qua; thông tin công tác chỉ đạo, ứng phó với bão số 7 và các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, theo dự báo, thời điểm này là thời điểm mạnh nhất của bão, sau đó bão có khả năng yếu đi, khi vào gần bờ có thể giảm nhiều cấp nữa, tuy nhiên không được chủ quan.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các bộ ngành, địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng tập trung chỉ đạo thực hiện Công điện số 114/CĐ-TTg của Thủ tướng về chủ động ứng phó với bão số 7.
Theo đó, cần theo dõi cập nhật thông tin dự báo và tình hình mưa, bão, lũ để kịp thời chỉ đạo; chủ động ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; thông báo đến người dân, các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh. Vận hành đảm bảo an toàn, hợp lý hồ chứa, đê điều; cảnh giác và chủ động ứng phó với sạt lở ở khu vực miền núi; ổn định tâm lý người dân.
Cùng đó, các địa phương cần tập trung nguồn lực, khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 6 và các đợt mưa lớn vừa qua.
Chủ động ứng phó với bão Yinxing, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành địa phương triển khai công tác ứng phó. Giao các lực lượng quân sự, biên phòng, công an thường trực để ứng phó, điều động khi có yêu cầu.
Tính đến 10h ngày 8/11/2024, toàn tỉnh có 3.652 phương tiện/10.665 lao động; tất cả tàu thuyền đã nắm được thông tin của bão. Tỉnh đã giao Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên thông tin tới các chủ tàu thuyền, kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn. Hiện có 49 phương tiện/216 lao động đang hoạt động trên biển; còn lại 3.603 phương tiện/10.449 lao động hiện đang neo đậu tại các bến bãi.
Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương nắm bắt thông tin về hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, có biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu như bão và mưa lũ ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh.
Sau hội nghị, lãnh đạo Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp thu và thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chủ động các phương án ứng phó với bão. Ngoài ra, UBND các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà khẩn trương xử lý hiện tượng sụt lún tại mái đê biển Tả Nghèn (huyện Lộc Hà) và mái đê biển Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) theo các nội dung văn bản của Sở NN&PTNT.
Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Hương Khê thực hiện ngay các biện pháp an toàn đối với hồ Cha Chạm và UBND huyện Cẩm Xuyên về đảm bảo an toàn cho các đoạn kênh xung xung yếu bị sạt trượt trên tuyến kênh chính Kẻ Gỗ.
Ngọc Loan
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/trien-khai-phuong-an-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-7-post276972.html