Triển khai Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực

Triển khai Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực
2 ngày trướcBài gốc
* TS TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM:
Đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn
Để đảm bảo việc thực hiện quy hoạch không bị “treo” vì thiếu nguồn lực, TPHCM cần tận dụng và huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Đầu tiên là huy động vốn từ ngân sách nhà nước, trong đó bao gồm đầu tư công như sử dụng ngân sách từ Chính phủ để đầu tư vào các dự án quan trọng, việc này đòi hỏi sự phân bổ nguồn lực một cách hợp lý và minh bạch; phát hành trái phiếu chính phủ để huy động vốn cho các dự án quy hoạch lớn.
Tiếp đó là thu hút đầu tư tư nhân, thông qua các hình thức hợp tác công - tư (PPP). Các mô hình PPP có thể giúp chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa nhà nước - doanh nghiệp. Cần ban hành các chính sách ưu đãi thuế, đất đai và hỗ trợ tài chính để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án quy hoạch.
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng. Chúng ta cần cải thiện môi trường đầu tư và đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI; tổ chức các hội chợ, triển lãm và các chương trình quảng bá quốc tế để thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, nên tận dụng nguồn lực xã hội hóa thông qua huy động vốn từ cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức cộng đồng tham gia góp vốn và hưởng lợi từ các dự án quy hoạch. Bên cạnh đó cần tận dụng sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ để tạo ra nguồn thu hỗ trợ các dự án quy hoạch. Không chỉ là huy động nguồn lực mà cần phải cải thiện quản lý, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và đánh giá các dự án quy hoạch để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, cũng như thực hiện các biện pháp chống thất thoát và lãng phí trong quá trình triển khai dự án.
* Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch:
Tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai
Để quy hoạch được thành công theo phương án đã duyệt, TPHCM cần tập trung cao độ những lĩnh vực đang thực hiện và vẫn còn dở dang từ nay đến năm 2030 nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong giai đoạn này.
Cụ thể, hệ thống đường sắt đô thị (Metro) chỉ mới thành công ở giai đoạn đầu và còn phải thực hiện ở những giai đoạn tiếp theo, trong đó cần thúc đẩy sớm có mô hình TOD (Transit Oriented Development - phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) dọc các tuyến metro. Tiếp đó, TPHCM cần chú trọng đẩy nhanh hệ thống đường cao tốc vành đai - đây là những việc mà thành phố đang làm và cũng là nền tảng cho sự phát triển đô thị bền vững. Điều quan trọng hơn hết là thành phố nên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm những chỗ nào bị ngập, kẹt xe, chú trọng kết nối hạ tầng kỹ thuật.
Hiện nay, việc phát triển đô thị của TP Thủ Đức chỉ mới làm quy hoạch mà chưa được xây dựng như kế hoạch đề ra, nên cần phải tập trung làm cho xong. Trong khi hạ tầng TP Thủ Đức chưa có những đột phá thì chúng ta chưa vội xây dựng cũng như thực hiện quy hoạch ngay ở các vùng khác. Bên cạnh tập trung phát triển hạ tầng, TPHCM cũng nên hướng đến phát triển kinh tế biển, trong đó có trục quan trọng kết nối 4 địa phương là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
* TS PHAN HỮU DUY QUỐC, thành viên Tổ chuyên gia tư vấn đường sắt đô thị TPHCM:
Lập tập đoàn tích hợp xây dựng metro và thực hiện TOD
Theo quy hoạch, những năm tới việc phát triển hệ thống metro có khối lượng công việc đồ sộ và để thực hiện thành công đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác.
Hệ thống metro hiện tại vẫn dựa trên tư duy giao thông vận tải, chưa khai thác hết tiềm năng phát triển đô thị theo mô hình TOD. Việc điều chỉnh quy hoạch metro theo hướng TOD là cần thiết để tăng hiệu quả sử dụng và phát triển bền vững. TOD không chỉ giải quyết nhu cầu di chuyển mà còn thúc đẩy phát triển đô thị mới, giảm chi phí đền bù giải tỏa và gia tăng giá trị đất đai. Các tuyến metro nên kết nối với khu đô thị mới thông qua hệ thống xe buýt nhanh, vừa tiết kiệm vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng. Ngoài ra, TPHCM cần khai thác quỹ đất công quanh các nhà ga để tăng giá trị kinh tế.
Thành phố cần thành lập tập đoàn tích hợp, đảm nhận quy hoạch TOD, xây dựng và vận hành metro. Đây là mô hình hiệu quả tại Nhật Bản, kết hợp đối tác công - tư để tối ưu hóa nguồn lực. Thành phố cần trao quyền tự chủ cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, tự chủ tài chính, giảm phụ thuộc vốn ODA và tập trung phát triển công nghệ nội địa. TOD sẽ giúp hạ tầng giao thông dẫn đầu phát triển đô thị, góp phần thay đổi diện mạo thành phố và nâng cao chất lượng sống.
THANH HIỀN - MAI HOA - QUỐC HÙNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/trien-khai-quy-hoach-tphcm-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-xay-dung-co-che-thu-hut-cac-nguon-luc-post776194.html