Triển khai thực hiện hiệu quả ERPA

Triển khai thực hiện hiệu quả ERPA
3 giờ trướcBài gốc
Quảng Bình hiện có hơn 650 nghìn ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp (trong đó diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng gần 592 nghìn ha). Những năm qua, công tác QLBVR và phát triển rừng đã được các cấp, ngành, địa phương, chủ rừng quan tâm thực hiện hiệu quả.
Thông qua việc triển khai nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, dự án... đã góp phần nâng cao giá trị của rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh-quốc phòng. Đặc biệt, gần đây việc triển khai ERPA đã huy động được nguồn lực rất lớn cho công tác QLBVR và phát triển rừng của tỉnh. Trong năm 2024, tổng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh được chi trả từ ERPA là 469.960ha; diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP là 7.281ha (lưu vực thủy điện và nước sạch)...
Rừng cộng đồng ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) được bảo vệ và phát triển hiệu quả.
Thời gian qua, để triển khai thực hiện ERPA, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR) tỉnh đã tiến hành kiện toàn, bảo đảm đầy đủ nhân lực triển khai thực hiện. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, ngày 28/12/2022 về thực hiện ERPA, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, Quỹ BV-PTR tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
Đồng thời, Quỹ BV-PTR tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc chủ rừng, UBND các xã triển khai thực hiện chi trả ERPA theo quy định; tổ chức 4 đoàn công tác đến các xã có đối tượng hưởng lợi được chi trả từ ERPA để hướng dẫn việc rà soát và thực hiện chi trả; phối hợp với đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức 2 đợt khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách an toàn xã hội tại chủ rừng và các địa phương. Các hoạt động kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cũng được Quỹ BV-PTR tỉnh triển khai lồng ghép trong các đợt tuyên truyền về ERPA, giám sát về an toàn môi trường xã hội.
Cùng với các hoạt động nói trên, từ đầu năm 2024 đến nay, Quỹ BV-PTR tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức lớp tuyên truyền, tập huấn về công tác QLBVR và giới thiệu một số chính sách mới liên quan đến ERPA cho chủ rừng, cộng đồng các bản sống gần rừng tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh) với khoảng 50 người tham gia; phối hợp UBND huyện Quảng Ninh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện thỏa thuận ERPA; giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho các chủ rừng, UBND cấp xã được giao rừng trên địa bàn.
Lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng tự nhiên tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
Quỹ BV-PTR tỉnh còn chủ động phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, các báo Trung ương, địa phương đăng các tin bài, phóng sự tuyên truyền về chính sách ERPA trên địa bàn. Mặt khác, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các đơn vị chủ rừng, cộng đồng dân cư và nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của ERPA đối với công tác QLBVR và phát triển rừng, Quỹ BV-PTR tỉnh tổ chức triển khai các nội dung quan trọng, gồm: Phối hợp với Báo Quảng Bình đăng tải các bài viết tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ ERPA; phối với các hạt Kiểm lâm và UBND các xã triển khai 7 cuộc tuyên truyền về chính sách chi trả ERPA với sự tham gia của 429 người; tổ chức 3 lớp tập huấn về hướng dẫn lập kế hoạch tài chính và hướng dẫn việc chi trả, sử dụng sau khi kế hoạch tài chính được phê duyệt với nguồn thu từ ERPA cho chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã được giao quản lý rừng tự nhiên, UBND cấp xã có tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức, UBND các huyện, thị xã...
Hiện, các chủ rừng trong tỉnh đang xây dựng kế hoạch tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến tới triển khai thực hiện các biện pháp lâm sinh theo quy định hiện hành. Theo Quyết định số 1648/QĐ-UBND, ngày 14/6/2024 của UBND tỉnh, đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, toàn tỉnh có 11.411 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng được chi trả từ ERPA. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh có 6,677 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng được chi trả với số tiền trên 11,7 tỷ đồng; số chủ rừng còn lại sẽ được chi trả sau khi Quỹ BV-PTR tỉnh nhận được đầy đủ hồ sơ.
Tính đến ngày 31/8/2024, tổng thu từ ERPA trên địa bàn tỉnh gần 236 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 164 tỷ đồng, trong đó, năm 2023 hơn 72 tỷ đồng và năm 2024 hơn 92 tỷ đồng (bao gồm chi trả cho các hoạt động tại Quỹ BV-PTR tỉnh và chi trả cho các đối tượng hưởng lợi). Tổng diện tích rừng tự nhiên được chi trả ERPA năm 2024 là 469.960ha, với 11.411 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, 23 chủ rừng là tổ chức, 71 UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên được chi trả.
Tại thời điểm này, đã có 3 chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng hoàn thành phê duyệt kế hoạch tài chính năm 2024. Qua đó, đã có 53 cộng đồng dân cư được hỗ trợ các hoạt động phát triển sinh kế với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng. Cụ thể: Ban Quản lý (BQL) Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 40 cộng đồng, BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong 6 cộng đồng, BQL rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển Quảng Bình 7 cộng đồng. Nhìn chung, các hoạt động sinh kế chủ yếu tập trung vào hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hệ thống phát thanh tuyên truyền và các công trình quy mô nhỏ tại cộng đồng. Các "gói sinh kế" này đều được các cộng đồng thống nhất đề xuất thông qua các cuộc họp thôn bản và đã được UBND xã, các chủ rừng lớn thông qua...
Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Trần Quốc Tuấn cho biết: "Bên cạnh các hoạt động kể trên, để triển khai thực hiện ERPA đạt hiệu quả tích cực, mới đây, Quỹ BV-PTR tỉnh đã phối hợp với đoàn công tác WB tiến hành khảo sát, đánh giá việc thực hiện chính sách an toàn môi trường xã hội tại một số địa phương, chủ rừng có tham gia thỏa thuận ERPA; chủ động phối hợp với chuyên gia tư vấn an toàn xã hội của WB để xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển vùng dân tộc thiểu số và thực hiện tham vấn trên nguyên tắc tự nguyện, được thông báo trước và cung cấp thông tin; cải thiện cơ chế khiếu nại phản hồi; hoàn thành 4 đợt giám sát hỗ trợ việc triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn môi trường xã hội tại các xã Hóa Phúc, Trọng Hóa, Dân Hóa (Minh Hóa) và BQL rừng phòng hộ huyện Minh Hóa... Nhìn chung, các hoạt động chi trả từ nguồn ERPA trong năm 2023, 2024 ở tỉnh cơ bản đều tác động tích cực. Do vậy, đến nay Quỹ BV-PTR tỉnh chưa nhận được thông tin nào về vi phạm, khiếu nại của các cá nhân, tổ chức...".
Văn Minh
Nguồn Quảng Bình : https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202410/trien-khai-thuc-hien-hieu-qua-erpa-2221704/