Triển vọng của làng nghề mộc Thanh Lãng

Triển vọng của làng nghề mộc Thanh Lãng
2 giờ trướcBài gốc
Người dân ở làng nghề Thanh Lãng đang làm các sản phẩm gỗ phục vụ khách hàng. Ảnh tư liệu
Thế nhưng, vẫn phải duy trì nghề mộc đều đặn để kịp các đơn đặt hàng những tháng cuối năm, dịp Tết bởi thởi điểm này nhu cầu mua sắm cao.
Ông Nguyễn Huy Lực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Lãng cho hay, nghề mộc Thanh Lãng đã ra đời và phát triển hàng trăm năm qua. Hiện nay, thị trấn Thanh Lãng có 3 làng đều làm nghề mộc, đó là làng Xuân Lãng, làng Yên Lan và Hợp Lễ. Thanh Lãng có hơn 3.800 hộ nhưng có tới 700 hộ làm nghề mộc và toàn thị trấn có tới 235 cơ sở mộc được đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị mang tích chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó, Thanh Lãng còn có 16 doanh nghiệp chuyên buôn bán gỗ và chế biến gỗ nguyên liệu. Thị trấn còn có nhiều lao động đi làm nghề mộc, mở xưởng mộc ở các tỉnh, thành trong nước... tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa bàn các tỉnh, thành.
Nguồn gỗ làm nghề hiện nay ở Thanh Lãng chủ yếu nhập từ các quốc gia sẵn có nguồn nguyên liệu đưa về các cảng trong nước rồi các doanh nghiệp ở địa phương trực tiếp mua về các làng nghề, một phần từ các tỉnh, thành khác. Khác với các làng nghề mộc khác, gỗ làm các sản phẩm ở làng mộc Thanh Lãng chủ yếu là gỗ lim, hương, gõ đỏ, dâu, gỗ hương... Phần lớn các hộ gia đình làm mộc ở Thanh Lãng có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm; hàng chục cơ sở nghề có đơn hàng, hoạt động thường xuyên và doanh nghiệp chuyên buôn bán gỗ và chế biến gỗ nguyên liệu tại địa phương có tiềm lực khá mạnh, mức thu lời cả tỷ đồng/cơ sở/năm.
Các sản phẩm của làng nghề thường rất bắt mắt, có giá trị lớn khiến ai tham quan cũng cảm thán: "đã con mắt", "sướng đôi tai". Cùng với việc sản xuất bàn, ghế, tủ, giường, phản, sập..., đường nét tinh tế nhưng giá cả phải chăng, phổ biến từ 30 đến 40 triệu đồng/chiếc; bộ bàn nghề mỹ nghệ dành cho phòng khách có giá phổ biến từ 25 đến 30 triệu đồng/bộ nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, của các gia đình truyền thống từ nhiều năm qua.
Hiện nay, người dân làm nghề đã hướng tới những sản phẩm gỗ cao cấp, nhiều sản phẩm được đầu tư công phu, tỉ mỉ bằng những loại gỗ quý trở thành những đồ dùng sang trọng, được kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, hài hòa, tinh tế.
Tại Thanh Lãng có không ít bộ bàn ghế mỹ nghệ bằng gỗ quý mà nhóm thợ làm hàng tháng mới xong, có giá cả trăm triệu đồng; một bộ ghế tấm - bàn ăn phục vụ cho 8 - 10 người, làm bằng lim xanh nguyên khối cũng có giá cả trăm triệu đồng; bộ sập bằng gỗ đinh to đẹp có giá lên đến trên 200 triệu đồng; sập bằng gỗ đinh tầm cỡ vừa có giá từ 70 - 80 triệu đồng và sập bằng gỗ hương đá có giá trên dưới 50 triệu đồng. Những sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao khắc họa công, phượng, hoa lá, các loài thú dũng mãnh, những đấng tinh thần tối cao trong huyền thoại… để phục vụ đông đảo khách hàng các tỉnh thành, nhất là những người giàu có, thích sư tầm, khám phá cái đẹp cũng có giá cả chục triệu đồng/sản phẩm.
Ông Nguyễn Doãn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thanh Lãng, chia sẻ, nhờ yêu nghề mà ngành nghề mộc ở Thanh Lãng đã giúp địa phương phát triển mọi mặt. Hàng nghìn người dân ở Thanh Lãng có việc làm khá thường xuyên và thu nhập ổn định từ nghề mộc.
Hiện tại, những lao động giản đơn trong làng nghề mộc ở Thanh Lãng như vận chuyển, dọn dẹp vệ sinh, đánh bóng gỗ... được trả 300 - 350.000 đồng/ngày công; lao động vững tay nghề và thực hiện các công việc phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao như đục, cưa cắt, bào, sơn bóng... được các chủ cơ sở chi trả 500 - 550.000 đồng/ngày công. Một số thợ lành nghề, có khả năng sử dụng thiết bị, máy móc và nhận việc theo khoản sản phẩm thì ngày công của họ được nhận cao hơn, mức ngày công của những người này đạt tới trên dưới 1 triệu đồng/ngày/người.
Người dân Thanh Lãng làm các sản phẩm gỗ phục vụ khách hàng. Ảnh tư liệu
Tại Thanh Lãng hầu hết các hộ gia đình. cơ sở làm nghề mộc đang và đang mở rộng quy mô, mặt bằng sản xuất, có thuê nhân công lao động làm thường xuyên. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Sinh ở làng nghề, thường xuyên sử dụng trên dưới 10 lao động tại địa phương để làm nghề mộc cho cơ sở của gia đình; ông Nguyễn Bá Đức (Doanh nghiệp Bá Đức) vừa buôn bán, vừa kinh doanh, chế biến, sản xuất đồ gỗ tại Thanh Lãng cũng sử dụng trên dưới 10 lao động... Thu nhập của người lao động ở các cơ sở này đạt từ 9 đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập từ nghề mộc ở Thanh Lãng những năm gần đây, đạt mức 300- 400 tỷ đồng/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập từ nghề mộc tại Thanh Lãng đạt hơn 178 tỷ đồng, đạt 30% so với kế hoạch của năm 2024. Để ngành nghề mộc của Thanh Lãng phát triển, ổn định lâu dài, hiện nay địa phương đã được các cấp chính quyền của tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý chủ trương, cho triển khai cụm công nghiệp làng nghề 8,5 ha.
Theo quy hoạch thị tại cụm này sẽ có 115 lô đất được giao cho các hộ/cơ sở nghề, mỗi lô có diện tích từ 300 - 500 m2. Ngoài ra, thị trấn Thanh Lãng còn bố trí thêm 30 lô đất dịch vụ thương mại, 50 lô đất đấu giá để cho các hộ dân, cơ sở nghề, doanh nghiệp chuyên về ngành nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ tại địa bàn mở rộng sản xuất- kinh doanh.
Những năm qua, các ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là Trung tâm Khuyến công và phát triển công thương tỉnh cũng tập trung vận động, hướng dẫn, tổ chức tập huấn người dân nâng cao năng lực sản xuất, giới thiệu các mô hình sản xuất tiên tiến, hỗ trợ một số cơ sở sản xuất mua sắm, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nghề mộc đạt hiệu quả cao hơn. Hiện tại, thị trấn Thanh Lãng có hơn 50 máy xẻ; hơn 80 máy đục tự động; hàng trăm máy mài và máy cắt, đánh bóng cầm tay...
Việc triển khai cấp đất, người dân đang quan tâm đầu tư máy móc, các chính sách hỗ trợ của nhà nước... là tiền đề để các cơ sở làm gỗ tại các làng nghề mộc Thanh Lãng mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước giải phóng sức lao động, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động làm nghề vốn phát ra nhiều tạp chất...
Ông Lưu Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Lãng, cho rằng, hiện nay các sản phẩm gỗ ở Thanh Lãng đang phải đối mặt với những sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ công nghiệp, gỗ ép, gỗ nhựa, nhựa giả gỗ, xốp vân gỗ, gạch giả gỗ. Bên cạnh đó, sự lên ngôi của đồ nhôm, đồ nhựa, đồ inox... cũng khiến cho sản phẩm gỗ tự nhiên và người làng nghề mộc ở Thanh Lãng đang gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm không còn được nhiều khách hàng quan tâm như những năm trước bởi hiện nay có nhiều vật liệu thay thế, tạo sản phẩm đa dạng và giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, nhiều người làm nghề ở Thanh Lãng vẫn tin tưởng rằng, sự khó khăn đến một giai đoạn nào đó sẽ hết, giá trị của gỗ tự nhiên luôn được giữ vững, ngoài sự bền bỉ với thời gian thì mỗi sản phẩm gỗ luôn ẩn chứa các giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ... Người yêu nghề mộc ở Thanh Lãng biết tiếp thu những tinh hoa, áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, quan tâm tới chất lượng sản phẩm, luôn làm hài lòng người tiêu dùng thì họ sẽ mãi sống khỏe với nghề truyền thống mà ông cha để lại.
Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ban-doc/trien-vong-cua-lang-nghe-moc-thanh-lang-20241013090200333.htm