Triển vọng đàm phán của Việt Nam với Mỹ

Triển vọng đàm phán của Việt Nam với Mỹ
4 ngày trướcBài gốc
Ngay sau khi kết thúc cuộc điện đàm, ông Trump đã đăng tải thông tin trên trang mạng xã hội của mình, đánh giá đó là cuộc điện đàm rất hiệu quả và ông mong đợi một cuộc gặp trong tương lai gần. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự đến đâu chúng ta chưa thể biết dù Việt Nam đã rất thiện chí và tích cực.
Ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ mới đây cho biết đã có hơn 50 lãnh đạo các quốc gia đã liên hệ để bắt đầu đàm phán. Thông tin từ phía chính phủ Mỹ đưa ra không ngoài mục đích chiếm lợi thế trong các cuộc đàm phán song phương sắp tới. Khả năng, các quốc gia muốn đàm phán song phương rất cao bởi Mỹ vẫn là một thị trường lớn.
Khi các quốc gia khác đàm phán với Mỹ, họ sẽ không chia sẻ với nhau những chiến lược, đối sách họ đưa ra. Các quốc gia sẽ cạnh tranh với nhau một cách tự nhiên khi đàm phán với Mỹ. Điều đó là vô cùng bất lợi với Việt Nam cũng như các đối tác thương mại khác của Mỹ.
Việt Nam không có lợi thế tuyệt đối với bất kỳ mặt hàng nào xuất khẩu vào Mỹ. Chúng ta đã và đang phải cạnh tranh khốc liệt với các nước khác để đạt thành tích xuất khẩu hơn 100 tỷ đô la vào xứ cờ hoa. Một khi Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng với Việt Nam cao hơn hẳn các đối thủ, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi thương lượng.
Mới đây, tờ Financial Times có trích dẫn lời của quan chức Nhà trắng cho biết “Tổng thống Trump luôn sẵn sàng nhận cuộc gọi từ một lãnh đạo nước ngoài và thảo luận về các thỏa thuận có thể có, nhưng đó không phải là một cuộc đàm phán cho đến khi nó thực sự là một cuộc đàm phán”.
Đến khi có kết quả chính thức, Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều rủi ro. Các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất là căng thẳng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Việt Nam không có lợi thế gì.
Thứ nhất, chúng ta có một vị trí chiến lược Mỹ rất coi trọng, nhất là trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Mỹ đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2023, là một minh chứng rõ ràng cho sự đánh giá này.
Thứ hai, những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đều có mức giá rất tốt, bởi chúng ta phải cạnh tranh sòng phẳng với một loạt đối thủ. Cả trăm tỷ đô la hàng hóa với mức giá phải chăng, rõ ràng đang mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ. Về vĩ mô, nhập khẩu những mặt hàng như vậy từ Việt Nam giúp Mỹ phần nào giảm đà lạm phát. Đó cũng là một tiêu chí mà chính phủ Mỹ đặc biệt quan tâm.
Thứ ba, Việt Nam là trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt với các công ty Mỹ như Apple, Intel, Nike. Nhiều tập đoàn Mỹ đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế trong giai đoạn 2018-2023. Nếu thuế 46% làm gián đoạn hoạt động của các công ty này, họ có thể gây áp lực lên chính phủ Mỹ để ưu tiên đàm phán với Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã chao đảo sau tuyên bố về chính sách thuế đối ứng của ông Trump. Thông tin mới nhất vào tối 7/4 theo giờ Việt Nam, ông Kevin Hassett cho biết trong cuộc phỏng vấn trên CNBC rằng ông Trump cân nhắc hoãn áp thuế 90 ngày với tất cả các nước, trừ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, CNBC đưa tin quan chức Nhà Trắng khẳng định không biết thông tin này.
Có vẻ chính trong nội bộ chính quyền Mỹ đã có những ý kiến trái chiều về chính sách thuế quan của ông Trump bởi tổn hại mà nền kinh tế Mỹ phải gánh chịu mấy ngày qua.
Minh Thư
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/trien-vong-dam-phan-cua-viet-nam-voi-my-320630.htm