Triển vọng lợi nhuận ngân hàng 2025: Thách thức kìm giữ chi phí vốn

Triển vọng lợi nhuận ngân hàng 2025: Thách thức kìm giữ chi phí vốn
18 giờ trướcBài gốc
Năm 2024 nhiều ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Ảnh: LÊ VŨ
Tín dụng mạnh mẽ và xử lý nợ xấu
Năm 2024, xu hướng nợ xấu gia tăng đã ảnh hưởng lên kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, nhưng nhiều ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Trong đó, ngoài việc tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ngay từ đầu năm khi các ngân hàng đã sớm được giao hết hạn mức, yếu tố ảnh hưởng đáng kể còn lại là chi phí vốn của các ngân hàng giảm mạnh so với năm ngoái.
Dù lãi suất huy động đã tăng trở lại từ đầu quí 2-2024 đến nay, nhưng mức độ tác động chưa đáng kể. So với đỉnh cao vào cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng hiện vẫn thấp hơn rất nhiều. Một lượng vốn lớn kỳ hạn dài huy động trong thời kỳ lãi suất cao trước đó đã dần tất toán trong năm nay, giúp nhiều ngân hàng chứng kiến chi trả lãi tiền gửi giảm mạnh và đóng góp lớn vào mức tăng trưởng lợi nhuận.
Năm 2025, triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng được dự báo vẫn tăng trưởng khả quan, một trong những động lực chính vẫn là quy mô kinh doanh tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng trong năm 2025, Chính phủ sẽ thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công, trong khi động lực đầu tư từ khu vực tư nhân tiếp tục phục hồi, thị trường bất động sản ấm trở lại, sẽ kích thích nhu cầu vay vốn cao hơn nữa.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong năm 2025 tương đương với năm 2024 là 15%, tuy nhiên một số ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt và đáp ứng đủ điều kiện có thể được giao hạn mức tăng trưởng cao hơn mục tiêu chung như những năm vừa qua. Đặc biệt, nếu như động lực tăng trưởng tín dụng chính trong năm 2024 đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp, năm 2025 kỳ vọng phân khúc bán lẻ với biên lãi ròng cao hơn sẽ phục hồi tích cực.
Điểm tích cực là tỷ lệ tiền gửi CASA có thể tiếp tục được cải thiện, bởi xu hướng thanh toán trực tuyến phổ biến, doanh nghiệp và cá nhân gia tăng lượng tiền trên tài khoản thanh toán để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi, cũng như một phần nhu cầu đầu tư khi các thị trường tài sản sôi động hơn, có thể phần nào kìm chế chi phí vốn.
Trong khi đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể được cải thiện trong năm 2025, do nợ xấu có lẽ đã đạt đỉnh từ quí 3-2024. Phần nợ tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào ngày 31-12-2024 vẫn là một ẩn số, tuy nhiên với nền kinh tế đã tăng trưởng tích cực trở lại trong thời gian qua, hoạt động của nhiều doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, đơn hàng được nối trở lại, dòng tiền phục hồi có thể giúp nhiều khoản nợ tái cơ cấu chuyển về lại nhóm nợ thông thường trong năm 2025.
Song song đó, hoạt động thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm có thể thuận lợi hơn trong năm 2025, khi giá bất động sản đang đi lên trở lại, từ đó giúp các ngân hàng có thể ghi nhận thu nhập bất thường lớn hơn. Dù vậy, các ngân hàng vẫn hy vọng các giải pháp xử lý nợ xấu đột phá theo Nghị quyết 42 có thể được luật hóa trở lại thông qua các nghị định, hướng dẫn của cơ quan quản lý trong thời gian tới.
Thách thức lớn nhất
Dù nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu có thể chững lại, nhưng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong giai đoạn tới vẫn chịu áp lực lớn, nhất là khi bộ đệm dự phòng của các ngân hàng đã suy giảm đáng kể trong thời gian qua, khi các ngân hàng đã sử dụng lượng lớn quỹ dự phòng để xử lý rủi ro. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải tiếp tục trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu theo đúng tiến độ quy định. Cụ thể đối với nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi bão Yagi, các ngân hàng sẽ trích lập theo tiến độ 35% trong năm 2024, 70% trong năm 2025 và 100% trong năm 2026.
Nhưng có lẽ thách thức lớn nhất trong năm 2025 đối với ngành ngân hàng, và cũng là mục tiêu cần ưu tiên, đó là phải kìm giữ được chi phí vốn đầu vào. Trong bối cảnh lãi suất vẫn đang trong xu hướng gia tăng, những áp lực lên lãi suất đầu vào có thể còn gia tăng trong giai đoạn tới, từ biến số tỷ giá cho đến lạm phát sẽ khó lường hơn.
Trong năm 2024, NHNN đã giữ nguyên lãi suất điều hành, nhưng theo dự báo của một số tổ chức, năm 2025 có thể chứng kiến lãi suất điều hành được điều chỉnh tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm, có thể diễn ra trong nửa cuối năm. Về lãi suất huy động của các ngân hàng, một số dự báo cho rằng năm 2025 có thể tăng tiếp 0,5-0,7 điểm phần trăm.
Với việc thanh khoản tiền đồng bị thu hẹp đáng kể khi chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ngày càng mở rộng trong năm 2024, cộng thêm việc NHNN cũng đã tăng cường bán ngoại tệ và hút tiền đồng về, đây sẽ là những yếu tố tác động lên thanh khoản hệ thống trong giai đoạn tới. Ngoài ra, lượng tiền gửi nhàn rỗi từ Kho bạc Nhà nước có thể giảm sút khi Chính phủ đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư trong năm 2025 cũng tác động lên chi phí vốn của các ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng được yêu cầu phải duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp, thậm chí được kêu gọi phải giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến hệ số NIM (biên lãi ròng) của nhiều ngân hàng. Việc phải công bố lãi suất cho vay và chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động theo yêu cầu của NHNN, cũng khiến các ngân hàng phải giữ lãi suất cho vay cạnh tranh hơn.
Điểm tích cực là tỷ lệ tiền gửi CASA (không kỳ hạn) có thể tiếp tục được cải thiện, bởi xu hướng thanh toán trực tuyến phổ biến, doanh nghiệp và cá nhân gia tăng lượng tiền trên tài khoản thanh toán để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi, cũng như một phần nhu cầu đầu tư khi các thị trường tài sản sôi động hơn, có thể phần nào kìm giữ chi phí vốn. Ngoài ra, ngày càng nhiều ngân hàng tích cực đa dạng hóa nguồn vốn kinh doanh đầu vào, giảm bớt phụ thuộc trên thị trường tiền gửi dân cư.
Trong khi thu nhập lãi vay tiếp tục tăng trưởng tích cực theo quy mô dư nợ tín dụng, nguồn thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng ngày càng bị hạn chế. Với hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm liên kết qua ngân hàng (bancassurance) tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ, nguồn thu nhập từ kênh bán chéo này của nhiều ngân hàng thời gian qua đứng trước xu hướng suy giảm, thậm chí đã chứng kiến vài mối “lương duyên” giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm đứt gánh. Bên cạnh đó, nguồn thu phí từ hoạt động thanh toán cũng bị ảnh hưởng bởi các quy định thắt chặt, như dịch vụ chuyển tiền từ 10 triệu trở lên phải xác thực sinh trắc học.
Cuối cùng, chi phí hoạt động của các ngân hàng cũng sẽ đối mặt với áp lực gia tăng từ chi phí đầu tư, nâng cấp cho các dự án công nghệ thông tin và quản trị rủi ro. Mới đây NHNN đã ban hành dự thảo thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, theo hướng cập nhật những quy định mới của Chuẩn mực Basel III. Bù lại, tốc độ tăng chi phí nhân sự sẽ bị hạn chế khi các nghiệp vụ dần được số hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giúp năng suất lao động tăng lên.
Triệu Minh
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/trien-vong-loi-nhuan-ngan-hang-2025-thach-thuc-kim-giu-chi-phi-von/