Trong tháng 3/2025, chúng tôi có cơ duyên được một nhánh dòng họ Nông gốc ở bản Phja Chang, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa cho phép tiếp cận với bia mộ tổ. Sau khi tiến hành dập, dịch bia, đã giải mã được ý nghĩa triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc mà người xưa đã gửi gắm trong đó.
Qua khảo cứu, những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh Cao Bằng đã tiến hành nghiên cứu, điền dã ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, sưu tầm được 42 bia mộ; chủ yếu là bia mộ của cả dòng họ hoặc bia mộ của một người riêng lẻ. Do đó, điều khác biệt ở phần mộ tổ của nhánh dòng họ Nông ở bản Phja Chang, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa mà chúng tôi được tiếp cận là phần mộ của hai người (hai cụ vợ chồng họ Nông).
Về hình thức, bia mộ được làm từ những phiến đá được kỳ công đục đẽo, mài nhẵn, có hình chữ nhật đứng, hai bên cạnh và phía trên bia được che chắn bởi những phiến đá. Nhờ vậy, bia mộ tránh được sự bào mòn của mốc thời gian là 193 năm. Bia được lập vào năm Minh Mệnh thứ mười ba, nhằm năm Nhâm Thìn, cuối đông, ngày Mậu Thân, giờ tốt (tức là vào năm 1832).
Bia mộ dòng họ Nông gốc ở bản Phja Chang, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa
Về nội dung, bia mộ được viết bằng chữ Hán gồm phần diềm bia khắc câu đối (thay vì hoa văn) có viết: “Vạn cổ thọ giai thành; Thận trung dung dị tam niên lễ, Truy viễn nan vong nhất phiến tâm (nghĩa là: Khi làm lễ tang cho cha mẹ thì phải đầy đủ lễ 3 năm, Khi tưởng niệm tổ tiên thì không được quên một lòng thành kính.). Phần nội dung văn bia được trình bày rất hài hòa và tương xứng. Ở bên phải trên bia mộ ghi lại ngày, giờ, năm của người mất. Đồng thời, còn ghi rõ địa điểm, hướng mộ, để con cháu hợp táng cả ông và bà. Hơn nữa trên bia mộ còn có dòng chữ khẳng định lại đây là mộ phần của ai, từng giữ chức vụ gì, công đức của người đó ra sao; Phần bên trái ở bia mộ cũng có một điểm khác biệt so với các bia mộ thông thường, đó là ghi lại việc phụng thờ về sau giao cho năm người con trai cùng các dâu trưởng. Phần cuối ghi năm tháng, ngày giờ tốt đã lập bia.
Truyền thống lập bia mộ không chỉ đơn thuần là việc ghi nhớ mà còn thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên. Tộc người Nùng nói riêng và các dân tộc khác nói chung đều tin rằng linh hồn của người đã khuất vẫn luôn hiện diện ở xung quanh họ, nên việc chăm sóc đất đai, sửa sang bia mộ là điều rất cần thiết. Bởi vậy, theo phong tục truyền thống, nhánh nhánh dòng họ Nông ở bản Phja Chang, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa hàng năm, đều duy trì tập tục dọn dẹp mộ phần, cúng bái đồ lễ vào dịp Thanh Minh, qua đó, để tưởng nhớ và bày tỏ sự hiếu kính với ông bà, tổ tiên.
Chữ khắc trên bia rõ nét.
Thông điệp được gửi gắm trên bia mộ tổ của nhánh dòng họ Nông ở bản Phja Chang, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, ngoài việc để các thế hệ con cháu tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên, còn thể hiện tấm lòng hiếu kính của các thế hệ con cháu trong gia đình, dòng tộc. Những nét chữ chạm khắc trên phiến đá không chỉ thể hiện sự nhớ thương, tưởng niệm, mà còn là sự tôn kính dành cho đấng sinh thành của gia đình; nội dung trên bia mộ là lời nhắn gửi chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc mang dấu ấn trường tồn cùng thời gian.
Tấm văn bia là minh chứng phản ánh một cách sinh động những cuộc đời đã kết thúc nhưng lại mở ra việc duy trì truyền thống tốt đẹp của các thế hệ con cháu trong gia đình, dòng tộc. Bởi người đã khuất không phải đã ra đi vĩnh viễn, mà chỉ là họ đã về với nguồn cội; còn những người đã và đang sống họ lập bia là để kết nối và lan tỏa đến các thế hệ con cháu mai này tìm về gốc rễ, cội nguồn và giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha đã dày công vun đắp.
Triệu Thị Kiều Dung