Theo phân tích của 38 North, một chương trình thuộc nhóm nghiên cứu Stimson Center, các bổ sung gần đây có thể giúp gia tăng khả năng nhập khẩu dầu và tiếp nhận tàu hải quân, đồng thời phản ánh tham vọng phát triển năng lực hàng hải của Bình Nhưỡng.
Phát hiện quan trọng
Cảng Nampho nằm ở bờ biển phía tây Triều Tiên, đóng vai trò cửa ngõ quan trọng kết nối nước này với Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á. Đây là trung tâm vận chuyển một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch và hàng hóa thương mại, đồng thời cũng là nơi đóng và sửa chữa tàu thuyền, bao gồm cả tàu chiến.
Hình ảnh vệ tinh do Airbus Defense and Space cung cấp xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) công bố những bức ảnh xác nhận đánh giá rằng Bình Nhưỡng đã hoàn tất việc đóng tàu chiến lớn nhất từ trước đến nay tại cảng này. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược hải quân của Triều Tiên, nhất là khi nước này vốn không được biết đến với việc triển khai các đội tàu chiến mặt nước lớn.
Hình ảnh này được chụp vào ngày 23.1 bởi vệ tinh Pleiades NEO thuộc Airbus Defense & Space, cho thấy công trình xây dựng tại cảng Nampho, Triều Tiên - Ảnh: 38 North
Trong số những công trình mới đáng chú ý tại cảng, một nhà đóng tàu mới đã hoàn thành phần mái vào tháng 11, trong khi một số tòa nhà gần đó cũng đang trong giai đoạn xây dựng, dù chưa xác định rõ chức năng. Ngoài ra, một khu vực từng là bến thuyền an toàn đã được lấp đầy, mở rộng không gian để phát triển cơ sở hạ tầng.
Các cầu tàu mới kéo dài từ các bến hiện tại, tăng cường năng lực neo đậu của cảng. Việc xây dựng đã hoàn thành trên bốn bể chứa dầu và các chất bôi trơn (POL), trong khi hai bể chứa khác dường như cũng đang trong giai đoạn hoàn tất. Đồng thời, mức độ hoạt động tại khu vực cảng container thương mại cũng cao hơn đáng kể so với những bức ảnh vệ tinh từ tháng 9 và tháng 11 năm ngoái.
Mục đích của Triều Tiên
Những động thái mở rộng cảng Nampho được xem là một phần trong chiến lược của Triều Tiên nhằm phát triển ngành đóng tàu và củng cố năng lực hải quân.
Theo Joseph Dempsey, chuyên gia nghiên cứu về phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), các tuyên bố chính thức của Bình Nhưỡng trong những năm gần đây ngày càng nhấn mạnh vào việc mở rộng quy mô ngành đóng tàu. Điều này đi kèm với việc tăng cường sức mạnh hải quân, bao gồm việc đầu tư vào các tàu chiến lớn hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đặt câu hỏi về lý do thực sự đằng sau khoản đầu tư này. “Mặc dù nhu cầu hiện đại hóa hải quân là điều dễ thấy, nhưng việc phát triển các tàu chiến mặt nước lớn lại không hoàn toàn hợp lý, bởi Triều Tiên dường như không có tham vọng triển khai sức mạnh hải quân tầm xa hoặc xây dựng một lực lượng hải quân nước xanh đáng tin cậy”, Dempsey nhận định với Newsweek.
Việc Triều Tiên mở rộng cảng Nampho cũng có thể liên quan đến nhu cầu nhập khẩu năng lượng của nước này. Mặc dù chịu lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc nhằm hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn tìm cách tăng cường nguồn cung dầu và nhiên liệu.
Trung tâm hậu cần
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc từng giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt, Triều Tiên được cho là đã nhập khẩu gấp ba lần hạn ngạch 500.000 thùng dầu tinh chế vào năm 2023. Nếu cảng Nampho tiếp tục mở rộng, khả năng nhập khẩu năng lượng của Triều Tiên có thể còn gia tăng hơn nữa.
Với tốc độ mở rộng cơ sở hạ tầng hiện tại, cảng Nampho có thể trở thành một trung tâm hậu cần lớn hơn cho Triều Tiên, phục vụ cả mục đích thương mại lẫn quân sự. Việc tăng cường năng lực đóng tàu và tiếp nhận tàu chiến cũng đặt ra những câu hỏi về kế hoạch dài hạn của Bình Nhưỡng trong việc củng cố hải quân.
Bên cạnh đó, nếu năng lực nhập khẩu dầu của Triều Tiên tiếp tục tăng, điều này có thể gây áp lực lên các lệnh trừng phạt hiện tại và khiến cộng đồng quốc tế phải cân nhắc lại chiến lược đối phó với Bình Nhưỡng.
Hoàng Vũ