Thông tin trên được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chuẩn bị có chuyến thăm Nga trong thời gian tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Spunik
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, Triều Tiên đã điều các đơn vị tăng viện tới Nga vào tháng 1 và tháng 2/2025, bổ sung cho lực lượng gồm 11.000 binh sỹ Triều Tiên đang chiến đấu tại Nga. Theo ước tính của Seoul, đã có khoảng 4.000 binh sỹ Triều Tiên thương vong hoặc thiệt mạng trong chiến đấu.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Nga số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và khoảng 220 khẩu pháo tự hành 170 mm cùng với bệ phóng tên lửa đa nòng 240 mm. Theo phía Hàn Quốc, sự hỗ trợ của Triều Tiên đối với Nga "dự kiến sẽ gia tăng dựa vào tình hình trên thực địa”.
Trong bối cảnh Triều Tiên tăng cường hỗ trợ nỗ lực chiến đấu của Nga, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Paris vào ngày 27/3 để thảo luận về viện trợ cho Ukraine và đảm bảo sự ổn định lâu dài trong khu vực.
Sau các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia trong tuần này, Mỹ cho biết cả Nga và Ukraine đều đồng ý ngừng sử dụng vũ lực ở Biển Đen và duy trì lệnh tạm dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Nhưng Nga đã đưa ra một số điều kiện sâu rộng để ký kết lệnh ngừng bắn một phần.
Điện Kremlin tuyên bố họ sẽ chỉ thực hiện các thỏa thuận sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng và hoạt động xuất khẩu của Nga. Điều này thể hiện sự khác biệt đáng kể về kỳ vọng giữa các bên đàm phán.
Quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Nga và Triều Tiên
Nga và Triều Tiên đã tăng cường quan hệ an ninh kể từ khi hai bên ký kết hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt vào năm 2024. Theo hiệp ước, hai bên cam kết sử dụng mọi biện pháp có sẵn để cung cấp sự hỗ trợ quân sự ngay lập tức cho đối tác trong trường hợp một bên bị tấn công.
Cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Putin, ông Sergei Shoigu đã có cuộc gặp ông Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng vào tuần trước. Trong cuộc gặp, ông Shoigu cho biết: "Tổng thống Putin dành sự quan tâm tối đa đến việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được với Triều Tiên”.
Mỹ cho rằng Nga nhiều khả năng sẽ chia sẻ công nghệ vệ tinh và không gian tiên tiến với Triều Tiên, bên cạnh những thiết bị quân sự và sự đào tạo mà nước này đã cung cấp, để đổi lấy sự hỗ trợ của Bình Nhưỡng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Quân đội Triều Tiên đã được triển khai đến khu vực Kursk của Nga để đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine kể từ tháng 11/2024. Họ đã rút khỏi tiền tuyến trong một thời gian ngắn để tái tập hợp và củng cố lực lượng sau khi chịu nhiều tổn thất sau đó quay trở lại, các quan chức Ukraine cho biết.
Kể từ khi xung đột nổ ra, Triều Tiên đã gửi hàng nghìn container chở đạn dược hoặc vật liệu quan trọng cho Nga. Các lực lượng Nga đã sử dụng tên lửa do Triều Tiên sản xuất tấn công Ukraine, các quan chức Mỹ lưu ý.
Các cơ sở y tế của Triều Tiên cũng điều trị cho hàng trăm binh lính Nga bị thương trong giao tranh, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Rossiyskaya Gazeta vào tháng 2/2025.
Theo ông Alexander Matsegora, Nga đã cung cấp than, thực phẩm và thuốc men cho Triều Tiên. Ngoài ra hai bên đang xúc tiến các chương trình trao đổi sinh viên.
Mỹ và Hàn Quốc lo sốt vó
Cả Mỹ và Hàn Quốc đều lo ngại quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên có thể tạo điều kiện thuận lợi để Moscow chuyển giao công nghệ quan trọng cho Bình Nhưỡng.
Tuần này, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát một cuộc thử nghiệm máy bay không người lái tấn công mới chạy bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Ông yêu cầu quân đội phải tăng cường phát triển UAV theo xu hướng “chiến tranh hiện đại”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin.
Theo KCNA, cuộc thử nghiệm đã chứng minh khả năng của máy bay không người lái trinh sát theo dõi nhiều mục tiêu và giám sát chuyển động của quân đội trên bộ và trên biển, có khả năng tăng cường các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Triều Tiên và khả năng vô hiệu hóa các mối đe dọa. Báo cáo cho biết các máy bay không người lái cảm tử mới, được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ tấn công khác nhau và được tích hợp trí tuệ nhân tạo.
Bình Nhưỡng cũng công bố một máy bay không người lái trinh sát mới, được phát triển nhờ sợ hỗ trợ của Nga, quân đội Hàn Quốc cho biết. Theo người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc Lee Seong-jun, mẫu máy bay này đã được cải tiến từ một chiếc máy bay ban đầu của Triều Tiên, nhưng "thiết bị bên trong và linh kiện bên trong có thể liên quan đến Nga".
Máy bay không người lái đã trở thành vũ khí trung tâm trong các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine. Số lượng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Ukraine đã tăng vọt từ con số 379 vào tháng 5/2024 lên gần 2.500 vào tháng 11/2024.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn đang diễn ra, Ukraine và Nga vẫn tiếp tục tấn công lẫn nhau. Vào ngày 26/3, Ukraine cáo buộc Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn vào thành phố Kharkov ở phía Đông Bắc, khiến ít nhất 9 người bị thương và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng dân sự. Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Newsmax, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông tin tưởng Nga muốn chấm dứt xung đột nhưng "có thể họ đang trì hoãn".
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN, Fox News