Trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
2 giờ trướcBài gốc
Trước đây, việc sử dụng các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận đã được nghiên cứu.
Theo chương trinh Kỳ họp thứ tám mới được bổ sung, chiều nay (27/11) Chính phủ sẽ trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (Dự án).
Xem xét phát triển nguồn điện hạt nhân ờ Việt Nam là cần thiết
Tờ trình nêu rõ sự cần thiết phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Đó là, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại... đến năm 2050 trở thành nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt hệ thống điện hiện nay từ khoảng 80 GW tăng lên 150 GW vào năm 2030 và lên đên khoảng 490 - 573 GW vào năm 2050. Phát triển nguồn điện cần đáp ứng mục tiêu kép: vừa phải đầu tư xây dựng các nguồn điện mới để cung cấp đủ điện, vừa phải chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Nhiều nguồn điện than, điện khí lớn trong Quy hoạch điện VIII bị khuyến cáo hạn chế và gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, trong trung và dài hạn vẫn tiềm ẩn các vấn đề quốc tế ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng truyền thống (than, dầu, khí) trong khi Việt Nam tiếp tục là nước phải nhập khẩu lượng đáng kể các nguồn nhiên liệu này.
Trong bối cảnh đó, việc xem xét phát triển nguồn điện hạt nhân ờ Việt Nam là cần thiết - tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Về địa điểm, việc sử dụng các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận đã được nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân trong thời gian tới là rất thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm, theo tờ trình.
Mục tiêu cụ thể của dự án được xác định là cung cấp nguồn điện nền, đóng góp đáng kể trong cơ cấu sản xuất điện, giúp đa dạng hóa năng lượng sơ cấp, nâng cao an ninh năng lượng, ổn định hệ thống điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sinh thái.
Xây dựng và đưa các nhà máy điện hạt nhân vào khai thác vận hành an toàn, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho chương trình dài hạn về phát triển điện hạt nhân, từng bước nâng tỷ lệ điện hạt nhân đạt mức hợp lý trong tổng sản lượng điện năng quốc gia.
Mục tiêu đầu tư dự án còn nhằm thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân. Kiện toàn cơ quan quá̉n lý nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật về kiểm soát an ninh, an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ, hoàn thiện khung pháp lý để phát triển điện hạt nhân. Xây dựng vãn hóa an toàn hạt nhân và phổ biến rộng rãi trong xã hội.
Xây dựng chương trình phát triển khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các giai đoạn phát triển điện hạt nhân, cũng nằm trong mục tiêu cụ thể của Dự án.
Về giải pháp thực hiện, Chính phủ xác định rà soát, cập nhật định hướng phát triển điện hạt nhân trong các chiến lược phát triển có liên quan như chiến lược phát triển năng lượng, chiến lược phát triển ngành điện..., Lập Quy hoạch phát triển điện hạt nhân để làm rõ tiềm năng phát triên các loại hình điện hạt nhân , xác định các vị trí tiềm năng khác, khả thi để đặt nhà máy điên hạt nhân, xem xét quy mô, thời điểm xuất hiện các tổ máy điện hạt nhân trong rà soát, tính toán điều chỉnh Quy hoạch điện VIII;
Chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư
Thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thống nhất sự cần thiết về việc tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, trên cơ sở Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã triển khai một số nội dung quan trọng như: tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; chuẩn bị đầu tư, cơ sở hạ tầng dự án; đào tạo nhân lực để quản lý, vận hành. Sau khi dừng thực hiện Dự án theo Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, các địa điểm xây dựng Dự án vẫn đang được quản lý tốt.
Luật Năng lượng nguyên tử đã được Quốc hội ban hành năm 2008. Hiện tại, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cũng đã đề cập tới chính sách phát triển điện hạt nhân.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân. Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân; rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến điện hạt nhân. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Nâng cao năng lực trong nước nội địa hóa thiết bị điện hạt nhân. Thực hiện tuyên truyền, thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận trong xã hội về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật hiện hành.
Tại Nghị quyết 41 năm 2009 của Quốc hội khóa XII, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2), mỗi nhà máy có 2 tổ máy với tổng vốn đầu tư khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án vào cuối 2008). Công suất 2 nhà máy trên 4.000 MW, mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW. Theo dự kiến khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Nguyễn Lê
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/trinh-quoc-hoi-tiep-tuc-chu-truong-dau-tu-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-d231087.html