Xây dựng Điện 2 (TV2) bắt tay với H&M Việt Nam thực hiện mua bán điện trực tiếp (DPPA)

Xây dựng Điện 2 (TV2) bắt tay với H&M Việt Nam thực hiện mua bán điện trực tiếp (DPPA)
2 giờ trướcBài gốc
Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (mã cổ phiếu TV2 - sàn HoSE) vừa ký thỏa thuận hợp tác theo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) với H&M Việt Nam - công ty con của tập đoàn bán lẻ thời trang đa quốc gia H&M.
Đại diện Xây dựng Điện 2 cho biết, sự hợp tác này giúp thương hiệu thời trang H&M tiếp cận được nguồn điện sạch với chi phí hợp lý trong bối cảnh việc xanh hóa quy trình sản xuất, bao gồm sử dụng các nguồn năng lượng sạch, hiện đang được đẩy mạnh trong lĩnh vực dệt may trên toàn cầu.
Xây dựng Điện 2 sẽ giúp H&M tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối... nhằm đạt mục tiêu xanh hóa quá trình sản xuất.
Cơ chế DPPA mới được ban hành vào tháng 7/2024 theo Nghị định số 80/2024/NĐ-CP. Theo đó, Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn có thể mua bán điện trực tiếp với nhau thông qua hai phương án gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN).
Như vậy, thay vì bán điện qua EVN theo mô hình truyền thống, cơ chế DPPA cho phép các đơn vị phát điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió, sinh khối hay địa nhiệt... được giáo dịch trực tiếp với các doanh nghiệp sử dụng điện lớn thông qua các thỏa thuận cụ thể. Việc này giúp các đơn vị phát điện giảm sự phục thuộc vào cơ chế giá và quy trình huy động từ EVN.
Đánh giá về cơ chế DPPA, nhiều tổ chức cho rằng cơ chế này sẽ khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào các dự án năng lượng tái tạo trong nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững về môi trường và nâng cao hiệu quả của thị trường điện ở Việt Nam.
Chứng khoán SSI nhận định, cơ chế DPPA sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn cho các bên tham gia, đồng thời giải quyết được vấn đề tài chính của EVN. Ngoài ra, cơ chế này cũng góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như tiếp tục mở rộng công suất điện (đạt trên 150.000 MW vào năm 2030 và đạt gần 600.000 MW vào năm 2050), trong đó năng lượng tái tạo dự kiến sẽ đóng vai trò chính trong quá trình thực hiện lộ trình này.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TV2 của Xây dựng Điện 2 từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Một khảo sát do Bộ Công Thương thực hiện vào cuối năm 2023, trong số 67 dự án điện tái tạo tham gia khảo sát, 24 dự án điện tái tạo (1.773 MW) mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tư cách là bên bán, trong khi 17 dự án điện tái tạo khác (2.836 MW) cân nhắc tham gia. Về phía người mua, 20 (996 MW) trong số 41 đại diện được khảo sát mong muốn tham gia cơ chế.
Về dài hạn, Chứng khoán SSI kỳ vọng cơ chế sẽ là một trong những bước quan trọng đầu tiên nhằm khuyến khích phát triển Thị trường Bán buôn Điện (VWEM) sau này tiến tới Thị trường Bán lẻ Điện Cạnh tranh (VREM).
Tuy nhiên, Chứng khoán SSI cũng lưu ý, việc triển khai hiệu quả cơ chế DPPA giữa các bên sẽ cần phải đảm bảo duy trì nguồn điện ổn định và phát triển nguồn điện từ Hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) để hỗ trợ ổn định lưới điện quốc gia và giảm thất thoát điện năng trong bối cảnh nguồn điện tái tạo không ổn định.
Duy Quang
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/xay-dung-dien-2--tv2--bat-tay-voi-h-m-viet-nam-thuc-hien-mua-ban-dien-truc-tiep--dppa-130362.htm