Trợ cấp thất nghiệp cần thực chất

Trợ cấp thất nghiệp cần thực chất
7 giờ trướcBài gốc
Không đủ sống
Từng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng sau khi mất việc làm, chị Nguyễn Thị Lan (công nhân khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ: Theo quy định mức hưởng thất nghiệp lên tới 60% nhưng thực tế số tiền doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động chỉ theo mức lương tối thiểu vùng. Chính vì vậy, khi bị mất việc số tiền người lao động nhận được rất thấp chỉ từ 3 đến 4 triệu đồng. Với số tiền này thực sự không đủ để trang trải những chi phí tối thiểu về sinh hoạt cho gia đình.
Người lao động tìm hiểu về thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Anh Dũng
Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cũng thừa nhận, mức trợ cấp hiện nay không đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho gia đình người lao động khi mất việc. Ông Tú cho biết, theo quy định hiện hành, người lao động được hưởng trợ cấp bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Dù tỷ lệ này được cho là không thấp, nhưng do phần lớn người lao động chỉ đóng ở mức tối thiểu cộng phụ cấp (khoảng 6 triệu đồng/tháng), nên khoản thực nhận thường chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng.
Về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, với mức trợ cấp thất nghiệp như hiện nay, một gia đình công nhân nuôi con học ăn không thể đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Bà Ngân dẫn ví dụ, công nhân đóng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 4-5 triệu đồng/tháng thì chỉ nhận về 2-3 triệu/tháng trợ cấp thất nghiệp. Vì không đủ trang trải chi phí sinh hoạt nên phần lớn công nhân sẽ tìm việc tay chân như bán nước, xe ôm… để có thêm thu nhập chứ không toàn tâm toàn ý đi học một nghề mới.
"Trợ cấp thất nghiệp phải giúp người lao động cầm cự một thời gian để tìm việc hoặc học nghề. Nếu chính sách đóng - hưởng không tương xứng, sẽ rất khó thu hút người lao động tham gia" - bà Ngân nhấn mạnh, đồng thời đề xuất chính sách cần hướng tới bảo vệ việc làm ngay từ đầu, thay vì chỉ hỗ trợ sau khi đã mất việc.
Chính sách hỗ trợ phải gắn với tạo việc làm
Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc nhưng tối đa không quá năm lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dựa trên mức lương tối thiểu vùng, tức mức thấp nhất theo quy định của pháp luật. Trước thực tế này có nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo cho người lao động có thể đủ trang trải cuộc sống sau khi thất nghiệp.
Trước đó, Công đoàn Việt Nam đã kiến nghị nâng mức trợ cấp hàng tháng lên 75% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc. Đồng thời, đề xuất điều chỉnh thời gian hưởng theo số năm đóng thay vì quy định cứng tối đa 12 tháng. Điều này nhằm đảm bảo những người đã tham gia nhiều năm được hỗ trợ tương xứng, có điều kiện duy trì cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới.
Ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là đề xuất đáng cân nhắc nhằm đảm bảo đời sống của người lao động. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả và tránh hệ lụy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, mức trợ cấp thất nghiệp nếu điều chỉnh tăng cũng cần ở mức hợp lý, đủ để duy trì cuộc sống cơ bản nhưng không gây ra tâm lý ỷ lại hoặc trì hoãn việc quay lại thị trường lao động, làm lãng phí nguồn nhân lực. Trong trường hợp chưa thể tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, một phương án khác là Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ phần chênh lệch cho người lao động có mức trợ cấp thấp hơn mức sống tối thiểu tại địa phương.
Ở góc độ khác, bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, trong bối cảnh thị trường luôn biến động, doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị phá sản, người lao động cũng dễ bị thất nghiệp thì ngoài chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng cần tính đến chính sách việc làm. Bản thân người lao động không chỉ thất nghiệp mới được hỗ trợ việc làm, học nghề, trợ cấp mà những người đang tham gia chính sách này cảm thấy công việc không phù hợp, có nhu cầu đào tạo, nâng cao kỹ năng cũng được hưởng chính sách. Đặc biệt hơn là đối tượng người yếu thế. Việc xây dựng chính sách phải đặt con người vào vị trí trung tâm thì chính sách sẽ được lắng nghe và được đưa vào cuộc sống.
Về vấn đề này, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm nhấn mạnh: Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dựa trên cơ sở đóng và chi cho người đóng, cân đối trong quỹ, do đó, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đề xuất tỷ lệ hưởng 60% đã được tính toán dựa trên bản chất, nguyên tắc, cân đối thu - chi, phương án tài chính... Nếu không tính toán kỹ lưỡng các yếu tố sẽ dẫn đến thâm hụt quỹ.
Khanh Lê
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tro-cap-that-nghiep-can-thuc-chat-10306351.html