Trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc từ nghề nuôi cá

Trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc từ nghề nuôi cá
3 giờ trướcBài gốc
Dẫn chúng tôi đi thăm những thửa ao vuông vắn, bố trí khoa học, vừa nhanh tay kiểm tra từng chiếc máy bắn thức ăn cho cá, từng vị trí ống nước dẫn vào các ao, anh hợp chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Vĩnh Phúc. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học hết lớp 9, tôi rời quê hương lên huyện Bảo Thắng làm thuê cho một số công trình xây dựng.
Trong những năm tháng làm thuê, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hợp đã gặp và kết duyên với con gái của hộ nuôi cá lớn tại thị trấn Nông trường Phong Hải. Mấy sào ruộng, thửa ao, kinh nghiệm chăn nuôi cá là của hồi môn mà bố mẹ vợ cho hai vợ chồng khi ra ở riêng, đây cũng chính là tư liệu sản xuất quý giá, giúp anh gây dựng cơ nghiệp hôm nay.
Nhận thấy người dân trong vùng nuôi thủy sản đã nhiều năm nhưng phải nhập cá giống từ nơi khác vừa không chủ động, lại nhiều rủi ro, anh Hợp quyết định khởi nghiệp bằng nghề ương nuôi cá giống. Những năm đầu lập nghiệp còn khó khăn về vốn, anh Hợp chỉ xây 3 bể nuôi, với mấy chục cặp cá bố mẹ làm giống. Vốn ít, kinh nghiệm không nhiều, những lứa cá đầu tiên hầu như không có lãi, có năm gia đình chịu thua lỗ khi cá gần đến kỳ xuất bán bị chết do mắc bệnh, hoặc yếu tố thời tiết.
Để có thêm kiến thức về chăn nuôi, anh đăng ký tham gia Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi thủy sản Phong Hải. Tại đây, anh được chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn con giống, kỹ thuật nuôi, xử lý môi trường, liên kết cung ứng con giống và tiêu thụ sản phẩm… Nhận thấy nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế nên anh cùng với các tổ viên chuyển đổi mô hình hoạt động sang thành lập Hợp tác xã và được tín nhiệm giữ chức vụ giám đốc. Để có thêm kỹ thuật chăn nuôi cá, anh đã đi tham quan, học tập tại các trại giống, trại cá tại nhiều địa phương ở ngoài tỉnh.
Hiện, với gần 2 ha ao ương giống cá, anh cung cấp ra thị trường gần 100 nghìn con cá giống/năm, thu lãi từ 200 - 500 triệu đồng.
Ngoài cung cấp cá giống, anh Hợp còn nuôi cá chép lai, chép giòn, trắm, rô phi thương phẩm, theo hình thức thâm canh. Hiện, với 3 ha mặt nước, trung bình gia đình xuất bán hơn 100 tấn cá thương phẩm/năm, thu về hơn 4 tỷ đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Hợp tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong thôn và địa phương phát triển kinh tế từ nuôi thủy sản, giúp đỡ hơn 60 gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ nuôi cá theo hướng công nghiệp. Gia đình anh trở thành địa chỉ tin cậy để Nhân dân trong và ngoài vùng nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, đồng thời bao tiêu sản phẩm cá cho người dân.
Với cương vị Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Phong Hải, anh đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn, định hướng chăn nuôi cho các xã viên; tạo việc làm ổn định cho 20 xã viên và 25 - 30 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập ổn định; doanh thu nuôi thủy sản của gia đình các xã viên đạt từ 200 triệu đồng/năm trở lên.
Kim Thoa
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/tro-thanh-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-tu-nghe-nuoi-ca-post393475.html